Nguồn:http://www.dhagpo-kundreul.org/index.php/en/a-brief-outline-of-lama-gendun-rinpoche-s-life/download-gendun-rinpoche-s-biography
“Gendun Rinpoche cũng giống như Milarepa – trong đời này đã đạt tới tuệ giác của Đức Phật Kim Cương Trì”
Karmapa đời thứ 16
Rất hiếm khi Gendun Rinpoche kể về cuộc đời của ngài. Thông thường khi hỏi về cuộc đời mình, ngài sẽ nói những điều như thế này:
“Mẹ đã sinh ra tôi,
Sau đó,
Tôi trở thành một đứa trẻ
Tôi thành người trưởng thành
Tôi trở nên già đi
Và giờ thì tôi đang ở đây”
(rồi ngài bật cười.)
“Tôi không có câu chuyện cuộc đời mình, tôi chỉ biết uống trà và ăn Tsampa”
Tuy vậy, cũng có một vài lần, thầy kể thêm một chút. Lama Garwang, người đã biết Gendun Rinpoche từ khi còn ở Tây Tạng, cùng trốn thoát với thầy sang Ấn Độ và hiện giờ đang sống ở Hà Lan, cũng kể cho chúng tôi một vài chi tiết về Gendun Rinpoche
Tuổi nhỏ
Gendun Rinpoche sinh ra vào năm 1918, vào năm thổ theo lịch tạng, gần Singka Dzong, “ khu rừng sáng suốt” gần ngọn núi cao 15,000 feet, thuộc tỉnh Nangchen của Kham phía đông Tây Tạng. Người dân ở Kham nổi tiếng là dũng cảm và chân thật. Rất nhiều người trong số họ đã chọn con đường trở thành yogi và cống hiến cả đời mình cho việc hành thiền nghiêm mật.
Nơi sinh của Gendun Rinpoche là Chochodar, gần dãy núi có tên gọi là “ Núi đá trắng” vùng Khyodrag, ngọn núi mọc phía trên thung lũng Puritang. Người Tạng coi ngọn núi là nơi thánh địa. Vị yogi nổi tiếng Sangye Yerpa đã tu tập ở đây trong những điều kiện hết sức đặc biệt. Truyền thuyết kể lại rằng một chú bò yak đã nuôi ngài bằng sữa của mình. Sau đó ngài tu tập trong hang của sư tử, một trong những hang đá trên đỉnh ngọn núi và đạt giác ngộ. Phía trước mặt của tảng đá núi, người ta có thể nhìn thấy hình dáng của chiếc bánh xe pháp được cho là đã xuất hiện cùng lúc trên mặt đá khi mà yogi đạt được sự chứng ngộ.
Cha mẹ của Gendun Rinpoche thì không giàu cũng không nghèo. Cha của thầy, Monge Dharye, là người khắc đá, cha thầy thường khắc những lời cầu nguyện lên gỗ và đá, bao gồm cả những câu chú khổng lồ trên vách núi. Mẹ của thầy có tên gọi là Gadoma.
Từ khi còn nhỏ, thầy Gendun đã có khát vọng sâu sắc được theo con đường của một yogi. Vào mùa hè, gia đình thầy Gendun thường đưa gia súc của họ lên bãi cỏ trên núi cao, khi ấy cả gia đình sẽ sống trong một cái lều lớn. Trò chơi yêu thích của cậu bé Gendun là dựng một nơi ẩn náu bằng cành và lá cây, ở nơi xa căn lều của cả nhà. Sau đó cậu ngồi xuống trong tư thế hành thiền và bắt đầu thông báo “ta là kẻ tu hành ẩn dật”. Cậu đắp một chiếc ghế bằng đất, đổ nước vào một chiếc bình, rồi bỏ rất nhiều thứ vào đó, ngồi trên chiếc ngai tự đắp, cậu bắt đầu truyền quán đảnh trong khi miệng thì đọc lời chú nguyện.
Nói về quãng thời gian này, Rinpoche hồi tưởng: “ Mặc dù lúc này thầy chưa được học giáo pháp, nhưng tâm của thầy luôn khát khao giáo lý mầu nhiệm. Ngay cả lúc chỉ mới lên 4 tuổi, thầy đã ước là thầy có thể tìm thấy một vị thầy để theo học. Thầy nhớ là thầy đã khóc cả đêm khi thấy sự khổ đau của chúng sinh và thấy mình không có năng lực để giúp. Thầy đã cầu nguyện rốt ráo để được gặp một vị thầy hướng dẫn tâm linh. Thầy quán sát cuộc đời của cha mẹ mình, những người lương thiện và có cuộc sống thuần thành, thầy thấy rằng thời gian của cha mẹ chủ yếu là để lo lắng, muộn phiền về đời sống thế gian này. Thầy nói với bản thân: ‘Tất cả những công việc của thế gian thật vô ích và không mang lại điều gì dài lâu. Những thứ này thì có ích chi vào giờ phút của cái chết. Cuộc sống đời thường không mang lại những điều tốt đẹp, nhưng lại mang nhiều điều khổ đau’.
Thầy suy nghĩ rất sâu về những khổ đau của chúng sinh nơi địa ngục và quỷ đói, thầy hiểu là những gì họ phải chịu đựng là kết quả của việc chỉ tìm kiếm những được mất, danh lợi của cuộc đời. Thầy cảm thấy thương xót và thấu hiểu sâu sắc những khổ sở của họ, thầy cũng sợ rằng cha mẹ của mình cũng phải chịu cảnh ấy vào giờ phút của cái chết. Qua sự quán chiếu rốt ráo như vậy, tâm của thầy hoàn toàn xả bỏ những lo lắng, được mất ở thế gian.
Cha của thầy nỗ lực dạy thầy nghề khắc đá, dù cha có cố gắng thế nào cũng không dạy được. Thầy hoàn toàn không thể học cách sử dụng dụng cụ cũng như kĩ thuật nào của cha. Cha mẹ trở nên rất lo lắng về tương lai của thầy. Cuối cùng họ cũng đồng ý cho mong ước không ngừng của thầy là đi tìm một vị thầy để học giao pháp. Họ quyết định đưa thầy tới tu viện của Khyodra ( “ núi đá nặng nhọc”), ở đây, thầy nhận được sự hướng dẫn tâm linh và tất cả những gì thầy cần cho cuộc đời mình. Đá tên tiếng tạng là Drag cũng có nghĩa là sức mạnh và niềm hỷ lạc lớn lao nảy sinh khi ta có niềm tin sâu sắc nơi giáo pháp”
Những năm đầu ở tu viện : 1925–1939
Lúc khoảng 7 tuổi, là một chú sadi (dù chưa nhận giới) rinpoche bắt đầu học tập tại tu viện Khyodrag thuộc truyền thừa Bharam Kagyu. Thầy sống rất đơn giản và quán sát cẩn trọng các giới luật của chúng hội tu sĩ. Chẳng bao lâu, thầy trở thành tấm gương cho người khác vì thầy luôn sẵn lòng giúp họ một cách không điều kiện và chia sẻ tất cả mọi thứ thầy có. Nhưng thầy dường như không mấy quan tâm lắm đến các hoạt động truyền thống mà các vị tu sĩ hay làm như đọc tụng kinh sách, làm nặn Torma, biểu diễn các điệu múa tâm linh và tham dự các buổi học giáo lý học thuật khác nhau. Khác thường so với các tu sĩ khác, rinpoche chỉ muốn hành thiền. Để có thể học cách thực hành, thầy dành nhiều thời gian theo chân các vị thầy lớn trong tu viện. Đặc biệt, thầy có khát vọng sâu sắc được thực hành Kim Cang Thừa, những phương pháp cao sâu để đạt tới chứng ngộ tâm linh.
Về quãng thời gian này, Rinpoche chia sẻ:
“ Từ 7 đến 13 tuổi, thầy đã dành hết thời gian để nghiên cứu kinh sách, sau đó, thầy bắt đầu đem những gì thầy học được áp dụng vào đời sống mình thông qua hành thiền. Thầy tu mật thất lần đầu trong một ngôi nhà khi thầy 13 tuổi nhưng mà khóa tu này chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng. 3 lần tu mật thất tiếp theo kéo dài được vài tháng. Lần thứ hai là một hang đá trên sườn núi, lần thứ 3 là một hang đá ngầm và lần thứ 4 là căn chòi gỗ hình nón.”
“Thầy được khoảng 15 hay 16 tuổi thì Karmapa thứ 16, vị đứng đầu của truyền thừa Karma Kagyu tới thăm tu viện. Karmapa lúc này vẫn còn là một cậu bé, đi cùng ngài là Situ Rinpoche đời trước, Pema Wangchug. Karmapa ở lại tu viện 3 ngày và thực hiện “lễ vương miện đen”, một sự ban phước duy nhất chỉ có của truyền thừa Karmapa. Ngài thực hiện buổi lễ với vương miện đen nhỏ vì chiếc mũ to thì quá nặng. Ngài cũng truyền quán đảnh bồ tát Quán Thế Âm, đây là buổi lễ khai mở về tự tánh Phật qua pháp thực hành bồ tát Quán Thế Âm, bồ tát đại bi. Lúc này thầy nhận ra rằng Karmapa chính thực sự là vị thầy gốc của mình.”
“Khi 17 tuổi, thầy nhận giới dành cho cư sĩ và sau đó thì nhận giới sadi và giới tu sĩ. Thông thường thì phải ít nhất 21 tuổi thì một người sẽ nhận đầy đủ giới tu sĩ, nhưng cha mẹ thầy mỗi người đã cho thầy mượn 2 tuổi, do đó mà thầy có thể nhận giới từ rất sớm”
Khi được hỏi: “Trong những năm trẻ tuổi, thầy có gặp nhiều trở ngại hay sự phóng tâm, xao lãng trong khi hành thiền?” Rinpoche trả lời: “Không, bởi vì thầy đã được hướng dẫn và thầy đã hiểu rằng mọi thứ đều là sự biểu hiện của tâm”. “Liệu thầy có gặp nhiều khó khăn khi thực hành sau đó không?” “Không trở ngại chút nào. Vì thầy không cho mình là người có khả năng lớn, thầy để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, và thầy không rơi vào những khó khăn trở ngại.”
Tu Viện
Trong một dịp, Rinpoche cũng kể cho các học trò tu mật thất một vài điều về tu viện của thầy: “Lịch sử của tu viện bắt đầu với một người nấu bếp có tên gọi là Bharam Dharma Wangchug, vị đầu bếp này vào thời gian đó là người nấu ăn cho bậc đạo sư nổi tiếng Gampopa khi Gampopa đang tu mật thất. Chỉ sau khoảng 3 năm, Gampopa nói với vị đầu bếp rằng thầy đã đạt được giác ngộ như chính sự giác ngộ mà Gampopa đã đạt được. Bây giờ thầy có thể giảng giải giáo pháp ở bất cứ đâu mà thầy muốn. Từ đó Dharma Wangchug rời đi và bắt đầu thu nhận đệ tử quanh mình. Đây chính là lịch sử ban đầu của dòng truyền thừa Bharam Kagyu của tu viện. Một trong 4 dòng truyền thừa Kagyu bắt nguồn từ những đệ tử trực tiếp của Gampopa. Bởi vì niềm sùng mộ sâu sắc và vô hạn tới Gampopa, vị đầu bếp đã không những đạt được giải thoát cho bản thân mà còn có khả năng để chỉ ra con đường tỉnh thức cho người khác”. Sau này, thầy của Trungmase, Trungpa Rinpoche đời thứ nhất, người lập ra tu viện Zurmang, cũng thuộc dòng truyền thừa Bharam Kagyu.
Rinpoche kể tiếp: “Có rất nhiều câu chuyện được lưu giữ về 13 vị thầy giác ngộ lớn thuộc về dòng truyền thừa của thầy. Họ sống trong tu viện hoặc những hang đá xung quanh. Họ rất nổi tiếng vì họ có thể di chuyển trong không trung và sống trong những hang đá mà con người không thể tiếp cận được bằng đôi chân. Họ không hề sợ báo tuyết, gấu hay sự lạnh giá của băng tuyết. Thỉnh thoảng những bậc thầy này sẽ bay tới dự buổi nghi lễ đặc biệt của tu viện. Có một lần, một trong những vị lama bay chậm hơn so với người khác, lama ấy đã xin lỗi và nói rằng vị ấy đã ăn hơi nhiều súp lúa mạch vào sáng hôm nay. Những tảng đá nơi họ cất bước bay lên đã để lại dấu chân, bây giờ ta vẫn còn có thể nhìn thấy.”
“Những vị tu sĩ thường không ở trong tu viện. Hầu hết thời gian tu viện trống không chỉ có một vài lama ở trong suốt cả năm. Tất cả những vị khác thực hành trong hang đá hoặc những căn chòi gỗ trên núi. Họ đều mặc những miếng vải cotton trắng, thứ y phục của yogi, ngay cả mùa đông họ cũng mặc vậy. Chỉ trong một vài lần đặc biệt, những ngày nghi lễ quan trọng, mọi người mới gặp nhau ở tu viện. Khi tất cả tu sĩ tụ họp, có khoảng 600 đến 700 người, nhưng bình thường thì chỉ chưa đến 100 người có mặt ở tu viện.”
Tu viện có một ngôi chùa gốc, khu vực mở rộng của chùa và trung tâm nhập thất theo nhóm. Trong mỗi nhóm nhập thất, sẽ có một hoặc 2 vị tu tập xuất chúng. Một trong những trung tâm nhập thất không ngừng thực hành trì chú Om Mani Padme Hung của Bồ tát Quán Thế Âm; một trung tâm khác thực hành theo truyền thừa của Bharam Kagyu; và một trung tâm tu tập theo truyền thừa của dòng Karma Kagyu.
Sự khác nhau giữa 2 dòng truyền thừa Kagyu là rất nhỏ vì cùng chung thầy gốc là Gampopa. Chỉ có một vài điểm khác như là sự truyền khẩu hay một số nghi lễ. Truyền thừa Bharam Kagyu có một số hướng dẫn đặc biệt trong các pháp như là: Đại Thủ Ấn (pháp tu về tự tánh tâm) và 6 pháp yoga của Naropa (pháp về tự tánh tâm trong mọi tình huống). Đây là những pháp mà các bậc thầy đã nhận được nhờ nhìn thấy Dakinis (thánh nữ), ví dụ như những hướng dẫn về ý niệm được chứng ngộ là tự tánh của vạn vật (Dharmata), vô minh được chứng ngộ là tính sáng tỏ quang minh, pháp tu tập với hình tướng của Phật (yidam) có liên hệ với pháp thực hành thân người huyễn ảo. Cũng có một số hướng dẫn đặc biệt trong pháp chuyển tâm thức trong giờ phút của cái chết (phowa). Nhưng về tổng thể thì không có sự khác biệt gì lớn. Lúc đầu, thầy tu tập theo dòng Bharam Kagyu nhưng giờ thì thầy dạy dòng truyền thừa Karma Kagyu như thầy gốc của thầy, Karmapa đang dạy.
Rinpoche cũng có lần kể về chiếc mũ nhiều mũi nhọn mà thầy hay đội trong các dịp quán đảnh, thầy cũng kể về những vật linh thiêng của tu viện: “Hình dáng của chiếc mũ bắt nguồn từ Maitripa, vị yogi vĩ đại của Đại Thủ Ấn, bậc thầy của Naropa và Marpa. Maitripa là một hoàng tử Ấn độ, và chiếc mũ này là một biểu tượng của dòng tộc ngài. Nhưng mà từ Maitripa trở đi, chiếc mũ trở thành biểu tượng của dòng truyền thừa Đại Thủ Ấn. Maitripa truyền chiếc mũ cho Marpa, Marpa trao cho Milarepa, như công nhận sự giác ngộ của Milarepa về các pháp năng lượng và luồng khí vi tế. Milarepa trao lại cho Gampopa, người nắm giữ truyền thừa Đại Thủ Ấn quan trọng nhất, Gampopa truyền lại cho Bharam Kagyu, tức là vị nấu bếp Bharam Dharma Wangchug, rồi tới đệ tử chính của Wangchug là yogi Dechen Repa.”
“Vị yogi này thì rất nổi tiếng vì thỉnh thoảng vị ấy lại tự nhiên biến mất. Có lúc một vài đệ tử có thể nhìn thấy nhưng những người khác lại không nhìn thấy được, có khi vị ấy hoàn toàn biến thành ánh sáng cầu vồng rực rỡ. Việc hoằng pháp của yogi thì không thể tin được, ngài đã thành lập tất cả 18 tu viện. Chính nhờ ngài mà chiếc mũ đã được truyền lại lưu giữ ở trong tu viện, được cất kĩ trong một chiếc hòm khoá. Thầy có thể nhìn thấy chiếc mũ một lần, và chạm vào chiếc mũ qua lớp vải lụa bọc bên ngoài khi trung tâm nhập thất được đón chiếc mũ về. Mỗi tu sĩ được nhận một chiếc mũ giống như chiếc mũ linh thiêng đó, như là một biểu tượng dành cho những tu sĩ đã thành tựu của tu viện”.
“Tu viện có rất nhiều những vật linh thiêng khác nhưng đã bị mất khi tu viện bị phá. Trong đó có một bức tượng Dakini đã tự tạo thành hình từ một cục đất sét trong tay của Naropa, sau đó rời khỏi tay ngài và bay lên không trung. Thêm cả xá lợi của ngài Long Thọ những vị Lama đã nhìn thấy Dakini mang tới khi họ đang chăm chỉ tu tập về Bồ Tát Văn Thù”.
“Tu viện cũng giữ gìn những vật linh thiêng khác từ các bậc thầy giác ngộ trong khu vực xung quanh. Ví dụ như là chiếc bát và những thứ khác thuộc về một gia đình nghèo sống trên vách núi bên cạnh bờ sông. Gia đình này có khoảng 7 đến 8 đứa con. Mỗi khi một người ăn mày tới thăm, ông chủ nhà thường lấy một lượng nhỏ bột kê, rồi nhân chúng lên gấp bội và đưa cho người ăn mày. Khi ông chết, ông hoá thân thành cầu vồng, cả vợ và các con đều như vậy.
Khi vị Terton (người tìm ra những giáo lý được cất giấu) Dorje hoàn thành xong 100 ngàn lần cúng dường yến tiệc. Đức Liên Hoa Sinh xuất hiện trên bầu trời và thả xuống lòng ngài một bức tượng, bức tượng này cũng được giữ trong tu viện. Terton Dojre đã đếm số lần mình thực hiện nghi lễ chỉ bằng cách đánh dấu vào tảng đá bằng tay.” (Rinpoche cười to)
Những năm nhập thất ở Khyodrag: 1939–1953
Năm 1939, khi Gendun được 21 tuổi, thầy đã vô nhập thất 3 năm, 3 tháng, 3 ngày. Trung tâm nhập thất của tu viện toạ lạc trên một ngọn núi nhìn ra không gian rộng, nằm phía trên tu viện một chút. Bằng niềm tin không lung lay và lòng sùng mộ sâu sắc, Rinpoche thu nhận hết những giáo pháp truyền đạt từ các vị thầy và để cho tâm của mình hoàn toàn hoà nhập với tâm tỉnh thức. Thầy thực hành 6 pháp của Naropa và thành tựu các pháp về khí và luồng năng lượng.
Từ đó trở đi, giống như các vị yogi đời trước, Gendun Rinpoche chỉ mặc một mảnh vải cotton trắng, nhờ sự thành tựu về pháp tummo (nội nhiệt) nên thầy có khả năng làm băng tuyết tan chảy. Ngay từ khoá tu 3 năm đầu tiên, thân nhiệt của thầy đã đủ để làm tan chảy băng tụ trên chén nước cúng dường từ đêm trước, vì nhiệt độ lúc này thấp hơn rất nhiều so với nhiệt độ đóng băng. Người ta cũng kể lại là mùa đông thứ 3 của khoá tu nhập thất, không thấy có chút tuyết nào đậu được trên thiền thất của thầy hoặc xung quanh cửa trong vòng 3 mét.
Ngay cả thời kì lạnh nhất của mùa đông, Rinpoche vẫn không dùng đến lửa trong căn chòi của mình và theo những người chứng kiến lúc đó thì có một nguồn khí ấm toả ra nhờ năng lực định của thầy. Thầy không bị đói hay khát và thường chỉ sử dụng rất ít lương thực. Trong khoá tu đầu tiên, thầy đã đạt được những hiểu biết trực tiếp và vững vàng về những trạng thái tâm vi tế và có được rất nhiều kinh nghiệm thiền sâu sắc.
Tuy vậy, khi nói về khoảng thời gian thầy, Rinpoche kể cho học trò của mình: “Khi kết thúc khoá nhập thất này, thầy nghĩ là thầy đã hiểu được tự tánh tâm. 20 năm sau, thầy thấy là vào thời điểm đó, thầy đã không hiểu được gì hết. Sau khi nhập thất 3 năm, thầy dành thêm 1 năm nữa trong thất và thực hành một mình. Rồi thầy đi hành hương trong 1 năm, trong thời gian này thầy tới thăm tất cả các thánh tích ở Tây Tạng. Đó là vào khoảng năm 1943/1944. Chuyến đi này đã đưa thầy tới Tsurphu, tu viên chính của dòng Karma Kagyu. Ở đó thầy gặp lại Karmapa thêm một lần nữa và lại được tham dự buổi lễ vương miện đen. Từ miền Trung Tây Tạng, thầy đi về hướng quê nhà của mình là Đông Tây Tạng và tu tập khoảng 7 năm nữa nhập thất.
Trong khoá tu mới này ở tu viện Khyodrag, Rinpoche tu tập trong mật thất nghiêm mật. Cửa vào thất của thầy thì luôn đóng. Người nấu bếp cho thầy giữ chìa khoá, căn thất thì rất nhỏ, chỉ đủ để thầy thực hành lễ lạy và một số động tác yoga khác. Nó chỉ có một chiếc cửa sổ nhỏ xíu được che bởi tờ giấy. Rinpoche nói là trong thời gian này thầy chẳng khi nào lấy đồ ăn nhiều hơn những gì thầy cần cho một ngày, đồ ăn được lấy vào thất thông qua cái lỗ hổng nhỏ dưới cánh cửa ra vào. Đồ ăn còn lại và cả vật phẩm cúng dường của người tới thăm, thầy đều để lại ngoài cửa và các vị tu sĩ khác có thể lấy dùng.
Thầy kể: “Sau khoảng 7 năm rưỡi, vị thầy gốc của thầy là Khenpo Mingyur, một vị lama đã giác ngộ sống trong tu viện, nói với thầy là thầy nên mở cửa, ra khỏi thất và làm những gì mình muốn, vì thầy đã đạt tới sự chứng ngộ mà không còn cần thiết phải ở trong thất nữa. Thầy làm theo những gì được chỉ dạy. Có rất nhiều người tới gặp thầy và hỏi nhất nhiều câu hỏi về giáo pháp. Điều này khiến thầy cảm thấy khó khăn, thầy đã không gặp ai trong một thời gian dài. Thầy thấy khó khăn khi sống cùng rất nhiều người và họ hỏi rất nhiều câu hỏi. Thầy liền dành thêm 3 năm nữa trong mật thất, vẫn ở trong tu viện cũ, bởi vì thầy nhận ra là mình phải tu tập sâu hơn nữa nếu thầy muốn giúp ích cho người khác”.
Một ngày vào năm 1953, sau khi Gendun Rinpoche đã dành tất cả 10 năm trong mật thất của tu viện, Tulku Tendzin của Khyodrag, một vị thầy gốc khác đã tới thăm Rinpoche. Tulku Tendzin yêu cầu mở cửa và nói với Gendun: “Bây giờ đã tới lúc con phải rời mật thất. Đối với con, mọi vướng chấp vào ý niệm đã được giải thoát ngay khi ý niệm nảy sinh. Việc tu tập của con đã hoàn mãn. Con đã đạt giác ngộ trong pháp tu của con, không còn có ích chi nữa nếu con tiếp tục ẩn tu. Con đã trở thành bình chứa của sự ban phước, suối nguồn của những điều tốt lành. Từ giờ trở đi, bằng việc sống cùng người khác, con có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Sự giác ngộ của con là không còn bị suy đổi. Con như là một tảng đá bằng vàng và con nên chắc chắn về điều đó. Từ giờ trở đi hãy hành xử theo ý nguyện của con.”
Tuy thầy đã nói như vậy, nhưng Gendu Rinpoche vẫn tiếp tục tu tập trong mật thất. Chỉ đến khi Tulku Tendzin đến thăm lần thứ 2 và Khenpo Mingyur cũng thúc giục, Rinpoche mới chịu theo lời khuyên bảo của họ và kết thúc việc ẩn tu trong mật thất.
Những ngọn núi Tây Tạng: 1953–1960
Rinpoche tiếp tục câu chuyện: “Sau đó, Karmapa đến thăm một lần nữa ở Nangchen. Người ta dựng một chiếc lều thật lớn và rất nhiều người tới để gặp Ngài. Hầu hết các thành viên của tu viện trừ những người nấu bếp đều có mặt. Hai người bạn đồng tu trong khoá tu mật thất của thầy cũng đi cùng. Sau khi được gặp Karmapa, nhóm của thầy dành thêm vài năm nữa tu tập trên những ngọn núi. Sau đó thầy nhận được nhiều điềm báo và giấc mơ về việc nên du hành.”
“Thầy đi cùng một vị tu sĩ từ tu viện của thầy. Hai người đã cùng thực hành lâu trong mật thất, cùng bắt đầu du hành về miền trung tâm của Tây Tạng. Thầy và người bạn tu của mình khởi đầu chuyến du hành mà cùng không có khái niệm sẽ đi về đâu. Sau khi tới được miền trung Tây Tạng, thầy ẩn tu trong một chiếc hang đá mà ngày xưa Guru Rinpoche đã tu tập vài năm ở đây. Sau đó thầy lại đi hành hương tới rất nhiều những thánh tích của Tây Tạng và Nepal, tới đâu thầy cũng cúng dường và tụng kinh ước nguyện thật nhiều.”
Sau đó, Gendun Rinpoche du hành một mình và tu tập như một yogi theo truyền thừa Đại Thủ Ấn Chod. Lúc này thầy cũng không nhận mái che trên đầu mình ngay cả trong mùa đông. Buổi tối, thầy tháo chiếc giày của mình và ngồi lên chúng, để tránh bị lạnh khi ngồi trực tiếp trên tuyết. Thầy co chân về phía thân mình và vòng tay bắt chéo chân. Trong tư thế này thầy hành thiền qua đêm. Sau khi đi du hành như vậy khoảng 1 năm, thầy tiếp tục tu tập ở những hang đá xa xôi, nơi mà các bậc giác ngộ trong quá khứ như ngài Liên Hoa Sinh, Milarepa đã ban phước khi thực hành ở đó. Chính ở những nơi này Gendun Rinpoche đã đạt được sự giác ngộ của Đại Bồ Tát.
Mặc dù rất khó để một người bình thường có thể đo lường được tâm giác ngộ của bậc tỉnh thức, tuy vậy năng lực gia trì ở Gendun Rinpoche như là sự an lành, ấm áp toả ra từ tâm từ bi của thầy và mọi người lúc đó đều ngay lập tức cảm nhận được khi gặp gỡ thầy. Trong nhiều năng lực, Rinpoche được biết đến như là người có khả năng đưa những chúng sinh siêu hình về với giáo pháp, đặc biệt là những chúng sinh thường bị gọi là “những kẻ phá rối” vì họ thường mang lại rối loạn về thể chất và tinh thần và những trở ngại, ảnh hưởng thiên tai mà con người phải chịu.
Một lần, khi Rinpoche đang tu tập trong hang đá vào mùa đông, một tên trộm tới và lấy đi của thầy tất cả số hạt lúa mạch nướng (tsampa), tất cả số thức ăn còn lại của thầy cho mùa đông. Rinpoche đã không thấy chút giận dữ nào trong mình, thầy hoàn toàn tự do khỏi tâm sân. Thầy cầu nguyện cho tên trộm và tiếp tục hành thiền không bị khuất phục và không có đồ ăn. Hai tuần sau, thầy tìm thấy một bao bột lúa mạch ngoài cửa hang, một người vô danh đã mang đến cho thầy.
Giống như Milarepa, thầy du hành từ nơi này sang nơi khác, có khi đồng hành cùng các vị yogi khác. Thầy đi hết Tây Tạng, đến tận núi Kailash. Trong các hang đá, thầy tu tập một vài tháng, có nơi lâu hơn, có một hang đá thầy tu tập vài năm. Trong hang đá nơi Guru Rinpoche đã hành thiền ở Kongpo, thầy thực hành khoảng 6 tháng.
Khi được hỏi, vì sao thầy lại tu mật thất trong các hang đá lâu như vậy, Gendun Rinpoche hóm hỉnh co mình lại như một chú chim sẻ sắp bị ăn thịt bởi chú chim lớn, thầy trả lời: “Bởi vì thầy đã rất sợ cái chết và những thứ nghiệp tích tụ trong tàng thức chưa được thanh tịnh hết. Thầy đã luôn nghĩ rằng những nghiệp bất thiện của thầy là vĩ đại và nó có thể kéo thầy tái sinh về nơi cõi thấp. Cuộc đời thì ngắn ngủi, từ lúc sinh ra tới giờ, cơ thể thầy đang già đi và tàn hoại. Lúc đầu thầy còn trẻ trung, giờ thầy đã già, có tóc trắng và cuộc đời thầy cũng không còn bao lâu. Thầy luôn ý thức về đời sống ngắn ngủi của kiếp người và ý thức về tầm quan trọng của việc phải dùng những thuận lợi của đời người để thấu hiểu giáo lý ở mức tối đa. Chúng ta có thể nghĩ là mình có rất nhiều thời gian nhưng thực tế thì thời gian còn lại đang khá ngắn ngủi để làm những gì ta phải làm”.
Trốn thoát sang Ấn Độ: năm 1960
Năm 1959, Gendun Rinpoche vẫn đang tu hành mật thất trên núi. Thầy lúc đó vào khoảng 41 tuổi. Một ngày nữ hộ pháp Achi Chokyi Drolma xuất hiện trước thầy và khuyên thầy nên đi về phía nam, Thần cũng khẳng định rằng ngài sẽ đi theo và bảo hộ cho thầy trong tương lai.
Gendu Rinpoche hồi tưởng: “Ngay cả khi thầy đọc được những tiên tri của Guru Rinpoche, thầy đã không nhận được những điềm báo nào về sự thay đổi lớn của Tây Tạng hay thế giới. Tuy vậy một ngày, thầy năm mơ và trong giấc mơ thầy nghe được giọng nói rằng: tình hình ở Tây tạng sẽ không ổn định và thầy nên chuẩn bị để rời đi. Nhưng lúc tỉnh dậy thầy lại không mấy để ý đến giấc mơ đó. Không lâu sau, thầy lại mơ về một nữ thần, đầu của vị ấy được che bởi một tấm lụa màu xanh. Vị ấy nói với thầy rằng thầy phải rời nơi này. Thầy hỏi lại xem vị ấy là ai. Vị ấy trả lời: ta là thần bảo hộ của khu này. Thầy hỏi tiếp: tôi nên đi đâu? Người sẽ tự biết điều ấy. Trong tâm thầy bỗng hiện lên một ngọn đồi phía nam của Tây Tạng nằm ở biên giới với Ấn Độ. Nơi đó có tên gọi là Pema Ko, một thánh tích, khoảng 8 tháng trước thầy đã tu tập ở đó, thầy lại còn nhìn thấy mình đang đứng trên ngọn đồi và từ trên bầu trời một tia sáng màu trắng xuất hiện đánh thẳng vào tim thầy.”
Gendu Rinpoche đã không lên đường ngay mà dành thêm vài tháng tu tập nghiêm mật ở dãy núi này. Nhưng cuối cùng Rinpoche cũng quyết định trở về Đông Tây Tạng, cùng với mấy người đồng tu. “Trên đường đi về, thầy và các bạn ghé thăm Tsurphu (miền Trung Tây Tạng). Ở đây thầy được biết là Karmapa đã trên đường sang Ấn Độ và lúc này đang dừng chân ở Paltsen Jowo Ri. Nhóm thầy đã ngay lập tức lên đường để gia nhập Karmapa nhưng trên đường đi quân đội Trung Quốc đã chặn thầy lại và thầy không thể đi tiếp. Lúc ấy, thầy đang ở Nye. Nhóm của thầy gặp một nhóm bạn và gia đình của họ. Mọi người cùng thực hiện nghi thức Dorje Drolo để xua tan những chướng ngại. Cuối cùng thì thầy được tin Karmapa đã tới được Ấn Độ an toàn.
Ở Thung lũng Lo, thầy và các đồng môn ở trong hang đá cao trên núi, nơi đây cũng là nơi Rechungpa (một trong hai học trò chính của Milarepa) đã từng tu tập. Trong khi thực hành nghi lễ cúng dường, các thầy đã quyết định sẽ tìm cách trốn thoát. Tình hình lúc này có vẻ xấu đi, bởi vì quân đội Trung Quốc đã đóng tất cả lối trốn thoát. Sau đó, thầy cũng gặp một số người Tây Tạng tìm cách đi sang Ấn Độ nhưng thất bại. Họ nói với thầy là không còn nơi nào chưa bị canh gác.
Thầy đã cầu nguyện tới Tam Bảo cho sự bảo hộ và hỗ trợ. Thầy giao bản thân mình cho Tam Bảo khi thầy quyết tâm sang Ấn Độ. Những người Tây Tạng khác đã tìm cách để khuyên nhủ thầy từ bỏ ý định, nhưng lúc đó thầy cảm thấy chắc chắn rời đi là điều tốt nhất và Tam Bảo sẽ bảo hộ cho thầy.
Khi nhóm của thầy đang chuẩn bị để lên đường thì có thêm hai người bạn tới tham dự cùng. Họ cũng vừa rời thất đá trên núi. Và như thế nhóm của thầy rời Kham – đi bộ và khất thực trên đường đi. Thầy không mang gì theo ngoài tấm thân này. Lúc đó đang là thời điểm khủng hoảng. Quân nổi dậy ở Kham và quân đội Trung Quốc chặn tất cả người đi lại – ai cũng bị nghi ngờ là gián điệp. Nhiều người bị sát hại khi không có cả cơ hội để nói lời biện hộ. Thầy bị giữ lại 2 lần bởi quân nổi dậy Kham nhưng nhờ có sự gia trì của Tam Bảo, quân nổi dậy đã nhận ra thầy là tu sĩ và đã đối xử tử tế với nhóm của thầy. Trải qua thêm một vài khó khăn, thầy đã tới được biên giới Ấn Độ.
Tại biên giới, quân đội trở nên đông đảo hơn vì họ vừa mới nhận tin Đức Dalai Lama và quyến thuộc vừa mới vượt qua biên giới. Quân đội canh gác hết các con đường hướng vào Ấn độ. Để qua được cửa này, ta phải bước qua khoảng trống nhỏ giữa một bên là sườn núi và một bên là suối dữ Brahmaputra. Vì lối đi như vậy nên quân đội không mấy khó khăn để canh gác cửa biên này.
Trong khoảng 3 ngày thì quân đội đã biết được nhóm vượt biên của thầy đang ở trong rừng và họ bắt đầu tìm kiếm. Thầy rời hang đá Rechungpa, nơi mà nhóm đã cư ngụ trong mấy ngày đầu để hành thiền và ẩn lánh trong rừng nơi thung lũng nhỏ. Mọi người đều tìm đường lối để sang Ấn Độ. Tại nơi thác nước đổ, cả nhóm tìm thấy một khúc quanh dẫn ra một thung lũng gần đỉnh núi cao đi về hướng Ấn Độ. Nhưng ngay cả lối đi này cũng đang được canh gác ngày đêm bởi quân đội. Nhóm thầy đi tới gần họ tới mức thầy có thể thấy và nghe tiếng họ. Một vài người thì đang ăn tối và uống trà, một số khác thì canh gác.
Cả nhóm chờ cho tới khuya để đi. Thầy và mọi người cùng nhất tâm cầu nguyện tới Tam Bảo và quán tưởng về Tánh Không để làm cho thân mình trở nên vô hình. Bằng cách ấy thầy có thể đi ngang qua quân canh gác, mặc dù là đi ngang qua chính giữa họ. Họ có đèn pin, thầy đến gần tới mức thầy có thể nhìn thấy súng ống của họ, nhìn thấy hơi nước bay lên từ tách trà và đốm lửa từ điếu thuốc và ngửi thấy mùi thuốc lá.
Có vẻ như là họ không hề trông thấy nhóm thầy. Khi mà hành giả không ngừng an trú trong trạng thái tâm của Tánh Không và Đại Thủ Ấn, thân sẽ biến mất ngay lập tức. Trạng thái tâm này thì có thể an trú ngay. Thầy cầu nguyện tới Tam Bảo và tiếp tục bước, mặc dù một vài người trong nhóm phát run vì sợ hãi. Để vượt qua quân canh gác mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, chắc chắn là nhờ có sự gia trì của Tam Bảo mà thầy và mọi người đã không bị phát hiện. Những người Tây Tạng đi cùng rất xúc động bởi điều kì diệu này và họ tỏ lòng biết ơn sâu sắc.
Hành trình vượt qua dãy Himalaya phía Nam Tây Tạng thì cần đến khoảng 3 tuần. Đây là một vùng hoang dã, thầy không hề nhìn thấy bóng dáng một sinh linh. Cho tới khi nhóm đi đến biên giới Ấn Độ, thầy gặp một số quân nổi dậy Tây Tạng. Một người trong số họ bị ốm, anh ta bị dày vò bởi cơn đau đớn và khẩn cầu các vị tu sĩ cứu giúp. Thầy cầu nguyện cho vị này và gia trì. Khoảng thời gian ngắn sau, anh ấy hoàn toàn bình phục. Những người nổi dậy liền thông báo cho trạm tiếp theo rằng có một vị “thầy lớn” đang trên đường tới chỗ họ và các trạm nên tiếp sức cho thầy bằng mọi cách, cứ như vậy những khó khăn trên đường cũng dần bớt đi.
Ở Ấn Độ, họ gửi thầy tới trạm di chuyển ở Musamari, nơi thầy ở khoảng 3 ngày. Chính phủ Ấn Độ thông báo rằng cả nhóm phải làm việc ở công trường xây đường ở Sikkim, cùng với 300 người Kham khác. Mọi người đã có một thời gian rất khó khăn ở đây và họ đã nói với thầy là một tu sĩ, cầu nguyện tới mẹ Tara thay vì phải làm việc. Thầy đã làm như vậy và ở đây 3 tuần cùng với những người Kham ở Sikkim. Ngay khi đó thầy đươc tin Karmapa đã dừng chân và lưu trú ở tu viện Rumtek, tu viện chính của Ngài. Nghe vậy, thầy đã đi tới Rumtek cùng với một người bạn.
Lúc đó đã khá muộn khi thầy tới tu viện, các tu sĩ khác đang tập trung ở chánh điện để hành trì nghi lễ buổi tối. Karmapa cũng ngồi ở đó và ngài vẫy tay ra hiệu với thầy. Súp được mang lên cho các tu sĩ và Karmapa đã ra hiệu để họ cũng mang tới cho thầy một chén súp. Vị tu sĩ đưa đồ ăn nói với thầy rằng thầy nên dùng súp ở bên ngoài nhưng Karmapa đã mời thầy ngồi lại và Ngài nhìn thật kĩ để chắc chắn thầy cũng được đưa một chén súp.
Sau nghi lễ buổi tối, Karmapa đi lên phòng của Ngài ở trên lầu. Thầy muốn được trò chuyện với Karmapa nên đi theo Ngài, một vị thị giả liền giữ thầy lại và nói rằng thầy nên tới vào sáng hôm sau vì Karmapa thường không nhận khách thăm vào buổi tối. Thầy và người bạn tu lại đi xuống lầu. Nhưng chẳng bao lâu, một vị thị giả khác đuổi theo thầy và nói Karmapa muốn gặp hai vị tu sĩ lớn mới tới và rằng hai thầy phải tới gặp Ngài ngay lập tức.
Khi thầy vào tới phòng của Ngài, Karmapa đã ban phước bằng cả hai tay Ngài. Một vị thị giả lại một lần nữa ra hiệu cho thầy nên rời đi, nhưng Karmapa tỏ lời mời thầy ở lại. Ngài nói hai thầy nên ở lại Rumtek. Nếu hai thầy có thể tự lo cho bản thân (vào thời gian này là rất khó khăn), thì nên làm như vậy, nếu không thì thầy nên báo lại cho các tu sĩ trong tu viện bất cứ lúc nào, tu viện sẽ chăm lo cho hai thầy. Nếu tu viện không thể cung cấp những thứ thầy cần thiết thì thầy nên báo lại cho Karmapa biết và Ngài sẽ nói với đầu bếp của Ngài mang những thứ đó tới cho thầy. Thầy đã không thể tin được những gì mình vừa nghe thấy.
Tất nhiên là bạn thầy và thầy đã quá đỗi mừng vui khi được gặp lại Karmapa lần nữa và được nhận sự ban phước từ Ngài. Thầy đã phải suy tính nên làm gì tiếp theo. Cả hai đều không muốn sống trong tu viện. Như đã được truyền dạy rằng nếu hành giả dành quá nhiều thời gian gần bên thầy của mình, thì sẽ có nguy cơ những cam kết (samaya) giữa thầy và trò như là cái thấy trong sáng sẽ bị phá vỡ. Chuyện này chưa từng xảy ra với thầy trước đây và thầy cũng không muốn nó xảy ra lúc này. Thêm vào đó, thầy thật không muốn Karmapa phải bận tâm hay lo lắng tới những thứ thuộc về cá nhân mình.
Nhưng chẳng bao lâu, Karmapa lại gọi thầy tới và lần này Ngài nói sáng hôm sau cả hai nên đi cùng với một khenpo, người mà Ngài đã gửi tới Baktsa phía Bắc Ấn Độ. Thầy nên ở đó, Kalimpong, trong ngôi nhà của một nhà hảo tâm hào phóng. Có một chút trục trặc nhỏ, vị khenpo thì đã có hộ chiếu Ấn Độ và có thể đi lại tự do tới Baktsa. Còn thầy thì chỉ có thẻ tị nạn Sikkim và cần thêm một giấy phép đặc biệt để có thể đi tới Baktsa. Karmapa ngay lập tức liên lạc tới chính quyền Sikkim và yêu cầu họ cung cấp giấy tờ cần thiết ngay lập tức. Khi mà Karmapa đã quyết định dứt khoát như vậy, là gửi thầy đi cùng khenpo. Mọi việc đã diễn ra đúng như ý nguyện của Ngài và ngày hôm sau, nhóm thầy đã có thể lên đường đi Kalimpong.