Một sự trao truyền toàn bộ những giáo lý Phật Pháp sang Tây Tạng được bắt đầu vào thế kỷ thứ 8. Vị vua của Tây Tạng là Trisong Detsen đã mời hai bậc thầy Phật giáo Ấn Độ tới Tây Tạng là Guru Rinpoche (Ngài Liên Hoa Sanh) và Shantarakhita (ngài Tịch Hộ). Nhà vua cũng cho phép dịch tất cả giáo pháp từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng. Đây là khởi đầu của truyền thừa Nyingma hay còn gọi là truyền thừa “cổ mật“.
Đến thế kỉ thứ 11, xuất hiện một thời kì dịch thuật thứ hai, bao gồm cả việc sửa đổi những thuật ngữ trước đó cũng như có thêm các bản dịch mới. Những truyền thừa dựa trên những trao truyền Phật Pháp ở giai đoạn này được gọi là truyền thừa Sarma, hay còn gọi là truyền thừa “mới“. Kagyu, Sakya và Gelug là những trường nổi tiếng trong số này.
Truyền thừa Karma Kagyu là một nhánh của Kagyu. Giống như tất cả các trường phái phật giáo Tây Tạng khác, Kagyu bắt nguồn từ những bậc thầy Phật Giáo Ấn Độ, những đạo sư đang biểu hiện ở thời điểm mà Phật Giáo đang tìm đường sang Tây Tạng.
Nhà dịch giả Marpa (1012-1097) đã tu học với Naropa và Maitripa và mang tất cả những giáo pháp này trở về Tây Tạng, thành thục các Pháp, và truyền lại cho các học trò của mình, trong số đó có Milarepa (1052-1135). Truyền thống Kagyu được chia thành các nhánh nhỏ, một trong những nhánh chính là Karma Kagyu được đặt tên theo người sáng lập, đức Karmapa đầu tiên Dusum Khuyenpa (1110-1193).
Với sự công nhận Karmapa Pakshi (1204-1283) là Karmapa thứ 2, truyền thống lạt ma tái sinh đầu tiên đã ra đời. Kể từ đó, những di sản tâm linh của truyền thừa Karma Kagyu, với trọng tâm đặc biệt là Đại Thủ Ấn Mahamundra đã được truyền qua các Karmapa và những vị nắm giữ dòng truyền thừa giữa các lần tái sinh của Karmapa.
Cái thấy cơ bản (nền tảng) của những gì được truyền dạy từ đó đến nay chính là những gì mà vị Yogi Saraha đã biểu đạt cách đây nhiều thế kỷ trong bài ca tuyệt đẹp của ngài về sự chứng ngộ:
Tâm là gốc của tất cả các pháp
Từ đó cả luân hồi và niết bàn khởi sinh.
Xin tôn kính bản tâm giống như ngọc như ý
Mang đến quả cho những gì được ước mong.