Lịch sử Đạo Phật

Lời lý giải tốt nhất về giáo pháp của Đức Phật gói gọn trong từ tiếng Phạn: Dharma, nghĩa là “ như vạn vật vốn là”. Đức Phật đạt giác ngộ khi ngài trực nhận được bản tính chân thật của tâm. Một sự nhận biết vượt trên những cản trở của bản ngã hay những bám chấp vào có gì đó gọi là ngã, từ đó trực nhận một cách rõ ràng và đơn giản bản tính thực sự của vạn vật. Thứ nhận biết này là con đường mà cũng là mục tiêu tuyệt đối của tất cả giáo pháp đạo Phật.

Đức Phật là một con người, không khác. Khi môn đệ hỏi ngài, ngài là người hay thần thánh, ngài trả lời bằng một sự thật đơn giản: ta giác ngộ. Ngài chính là người đã phát hiện ra, thông qua sự kiên nhẫn và tinh tấn, con đường để giải thoát. Giúp ngài hoàn toàn vượt khỏi những sợ hãi, bám chấp và những kiếm tìm sự an toàn cho bản thân, những thứ đang là vấn đề trung tâm trong cuộc sống của chúng ta.

Sự tự do cho tâm thức này được gọi là giác ngộ. Đó là một kinh nghiệm trực nhận những gì là chân thật, trước khi một ý tưởng, suy nghĩ, niềm tin, phiền não và bản ngã tạo hình kinh nghiệm của ta. Dù không thể diễn bày kinh nghiệm đó qua từ ngữ, nhưng khi ai đó đạt tới sự giác ngộ, chúng ta có thể thấy ở họ một tâm bình an siêu việt, niềm hỷ lạc không thể diễn bày và sự sáng tỏ (minh mẫn) không thể che đậy.

Thiền tập và những giáo lý liên quan là những phương tiện, công cụ để giúp ta đạt được những khả năng trên cũng như sự tự tin để buông bỏ và để ngộ ra thứ tuệ giác hoàn toàn này. Ban đầu ta có thể trực nhận một chút, như một tia chớp xẹt qua trong thời thiền tĩnh lặng. Sau đó, theo thời gian, ta có thể kéo dài những kinh nghiệm của mình – và duy trì tuệ giác trong cả một ngày. Những pháp thực hành của đạo Phật như là: “ có mặt trong giây phút hiện tại hay còn gọi là chánh niệm, là một phần căn bản để đưa những kinh nghiệm thiền tập vào mọi việc ta làm.

Sự thức tỉnh của Đức Phật.

Hơn 2.500 năm trước, vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, Đức Phật Shakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) đã được sinh ra với cương vị là Thái tử Siddharta. Là một hoàng tử cao sang, ngài bị tách biệt khỏi những vất vả của cuộc đời. Nhưng ngài luôn muốn hiểu biết về thế giới xung quanh. Khi đang ở tuổi thanh niên, ngài quyết định đi thám hiểm vùng đất bên ngoài cung điện xa hoa, bên ngoài những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi nào nhìn tới, ngài đều phải đối diện với sự khổ đau của bệnh tật, già nua và cái chết.

Ngài đã rất xúc động trước những khổ đau mà ngài nhìn thấy. Ngài tự hỏi liệu ngài có phải trải qua những khổ sở trên. Ngài kết luận là có, và ngài cũng thấy rằng tất cả chúng sinh đều mong cầu hạnh phúc nhưng thứ mà họ đang trải nghiệm lại là những cảm giác khổ sở. Nhờ sự thức tỉnh này, ngài quyết định là phải tìm ra con đường thoát khổ. Đức Phật từ bỏ đời sống vương giả và theo con đường của sự thức tỉnh tâm linh.

Sau nhiều năm thực hành khổ hạnh cùng cực trong một khu rừng ở Ấn Độ, Đức Phật nhận ra rằng ngài không thể đạt được mục tiêu của mình khi gò ép thân thể. Trong một giây phút sáng tỏ, ngài nhận ra mọi khổ đau đều bắt nguồn từ tâm mình. Cụ thể hơn, cái cách ta nhìn nhận sự vật, hoàn cảnh sẽ quyết định những kinh nghiệm nào sẽ tới. Sự hành thiền của Đức Phật đi vào sự thấu hiểu cặn kẽ bản chất chân thật của Tâm. Nỗ lực của ngài đã đưa tới một sự “xuyên thủng” siêu việt, giải thoát hoàn toàn khỏi khổ đau- thứ khổ mà ta thường trải nghiệm, qua sự thức tỉnh về bản tính chân thật của vạn vật. Khi ấy Đức Phật 35 tuổi.

Sau khi thành đạo, Đức Phật giảng pháp khắp nước Ấn trong vòng 45 năm. Ngài chỉ cho loài người cách để kiếm tìm hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau bằng cách khám phá những phẩm chất của tâm để hiểu được tự tánh của vạn vật “ như mọi thứ vốn là (dharma). Sự rộng lớn và sâu sắc trong các pháp thực hành của đạo phật là kết quả của lao động dài hơi của ngài, dạy dỗ con người ở vô vàn khả năng, căn cơ khác nhau. Những gì ngài giảng đã được viết lại và tạo thành nền tảng cho những phương pháp đang được giảng dạy ngày nay.

Nguồn tài liệu:

http://dharmakaya.org/resources/history-of-buddhism/