Bốn Pháp của Gampopa – Pháp Thoại của Lopon Tsechu Rinpoche
(bản dịch và biên tập lần 1)
Pháp Thứ nhất
Tại sao lại có người đi tìm cầu pháp học, học Pháp thì có ích lợi gì? giác ngộ đầu tiên của ta về ý nghĩa của giáo Pháp đó là mọi thứ đều vô thường, và vô thường thì đang xảy đến với ta. Vì vậy, điều đầu tiên mà đức Phật thuyết giảng cũng là về vô thường. Khi ngài dạy về tứ Diệu Đế trong lần quay bánh xe pháp thứ nhất, ngài dạy rằng, vạn vât được hợp thành rồi cũng có ngày tan rã. Đây chính là lời dạy đầu tiên trong bốn Ấn, bốn lời dạy cơ bản trong đạo phật.
Vô Thường (sự đổi thay- ND):
Khi Đức Phật dạy về vô thường, ngài muốn đề cập đến cả thế giới bên ngoài, cho đến từng cá nhân. Ví dụ như một ngôi nhà, trông có vẻ rất chắc chắn, chúng ta bắt đầu nghĩ ngôi nhà sẽ mãi như thế. Nhưng suy nghĩ ấy lại dối gạt chính ta, vì tất cả những thứ được tạo thành rồi sẽ tan rã một ngày nào đó. Điều này là đúng với tất cả mọi sự vật hiện tượng trong toàn vũ trụ, từ thứ nhỏ nhất cho đến thứ lớn nhất. Nếu vũ trụ và những thứ ở quanh ta đều vô thường thì bản thân ta cũng tất nhiên vô thường. Đó chính là lí do, Đức Phật dạy chỉ có sự tìm cầu về giá trị tâm linh là điều quan trọng thực sự đối với chúng ta. Tương tự như vậy, Đức Gampopa dạy rằng chúng ta nên có ý thức về vô thường để hướng tâm về sự thực hành pháp. Chúng ta cũng nên quán chiếu vô thường ở mức độ thật sâu sắc, như vậy ý niệm về vô thường sẽ trở thành sự thật hiển nhiên và tự nhiên.
Chúng ta có thể suy ngẫm về các biểu hiện của vô thường. Ta quan sát về sự vô thường ở thế giới bên ngoài như ngày, tháng, năm và sau đó chúng ta nhận ra những đổi thay theo mỗi mùa. Chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng mọi vật được tạo thành rồi đến một ngày lại tan rã. Để thực sự hiểu thấu về vô thường, chúng ta cũng nên suy ngẫm về cái chết của chính mình. Ta thấy rằng, bản thân mình cũng như tất cả mọi người, đều phải từ bỏ cuộc đời một ngày nào đó. Có rất nhiều những hoàn cảnh có thể gây ra cái chết bất ngờ, và so với những điều kiện gây ra cái chết, những điều kiện để giúp chúng ta duy trì sự sống lâu dài là ít ỏi. Sau đó, chúng ta có thể suy nghĩ về những trải nghiệm gì ta sẽ có vào giờ phút của cái chết. Tất cả những vật chất mà chúng ta trân quý, đến lúc lâm chung thì không còn giá trị nữa. Khi chúng ta đang hấp hối, có rất nhiều thứ khác trở nên quan trọng.
Giờ chúng ta sẽ xem xét những điểm này kĩ hơn.
Chúng ta thường nghĩ rằng một năm thật dài, nhưng nếu để ý kĩ hơn, ta sẽ nhận ra một năm trôi qua rất nhanh. Tháng nọ nối tiếp tháng kia, thỉnh thoảng ta cũng có cảm giác một tháng là khá dài, nhưng tháng thì bao gồm ngày, và chắc chắn là ta biết một ngày trôi nhanh như thế nào, thời gian trôi như nước chảy qua kẽ tay. Từ giờ khắc ta được sinh ra, ngày nọ sang ngày kia rồi năm nọ sang năm kia, một đời người trở nên ngắn ngủi và không giây phút nào có thể ngưng lại.
Thời tiết đổi từ xuân sang hạ, rồi thu và đông. Mùa xuân ta thấy khí trời ấm áp lên, cây và hoa nở rộ, côn trùng thức dậy và hoạt động náo nhiệt. Mùa hè, thời tiết trở nên nóng bức, hoa màu chín và đến mùa thu hoạch. Mùa thu, cây cối rụng lá. Mùa đông, đất trở nên cứng lại và tuyết rơi. Ta không thấy được có thứ gì như cũ, mọi thứ đều thay đổi đa dạng. Vô thường khiến sự việc biến đổi theo nhiều cách khác nhau. Thực tế thì mọi thứ đều thay đổi và mùa này tiếp mùa kia cũng nhờ có vô thường.
Những gì đã lên cao, thì lại xuống thấp
Những gì đã đến, thì lại đi
Những gì đã hợp thì lại tan
Những gì sinh ra thì rồi lại diệt.
4 điều trên sẽ giúp chúng ta hiểu thế nào là vô thường, và chúng ta đặc biệt nên suy ngẫm về điều thứ 4
Sự chết
Tất cả loài người đã sinh ra, thì chắc chắn sẽ chết một ngày nào đó, chẳng có cách nào khác. Cái chết luôn đi theo sự sinh. Chúng ta nên hiểu rõ về điều này. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một ví dụ điển hình. Cách đây rất lâu, ngài sống trên trái đất này, đạt giác ngộ và nhập diệt. Không có ai trong chúng ta có thể nói rằng đã gặp Đức Phật trong đời này, bởi vì ngài đã nhập diệt. Chúng ta biết các vị thầy mà từ các vị ấy chúng ta học được pháp. Ta cũng có thể nhớ tới những chúng sinh khác mà chúng ta có dịp được gần kề, như cha mẹ, anh chị em, những người hiện đã khuất núi. Hay ví dụ như chúng ta có thể hồi tưởng trong năm qua, trong số những người ta biết, có người đã qua đời. Nhờ sự quán chiếu đó, ta cũng hiểu rằng, bản thân ta cũng phải từ bỏ cuộc đời này một ngày nào đó.
Ai cũng phải ra đi, cho dù sự chứng đạt của vị ấy như thế nào. Như ngài Milarepa, ngài là một trong những vị đã đạt tới những giác ngộ lớn lao, ngài có thể làm nhiều việc không phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài. Ngài có thể bay, có thể đi xuyên tường, nhưng ngài cũng không tránh khỏi cái chết. Hay như Marpa, Gampopa hoặc Karmapa. Những vị đã được coi là những vị Phật với những đức hạnh cao cả. Họ đều được sinh ra, lớn lên là người và sau đó nhập diệt, bởi vì một điều không thể tránh khỏi là diệt đi cùng với sinh. Tử là quả của sinh.
Khi chúng ta nhận thấy rằng ngay cả những vị Bồ Tác và những bậc thầy đã đạt những giác ngộ cao nhất đều không tránh khỏi cái chết, thế thì chúng ta, những chúng sinh chưa có giác ngộ sâu sắc nào làm sao tránh khỏi? Nếu chúng ta hiểu được rằng cái chết đang chờ ta ở cuối cuộc đời, thì chúng ta nên học để ứng xử với nó. Chúng ta thường nghĩ rằng mình còn rất nhiều thời gian, rằng cái chết là về sau này, ngày mai thì ta chưa chết. Nhưng đây là một lầm tưởng, bởi vì chúng ta không kiểm soát được cái chết. Nó có thể đến bất cứ lúc nào và rất nhanh chóng. Chúng ta nên ý thức về điều này. Hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang đứng trước một ngọn núi, phía trước là vực sâu, ta thả một hòn đá xuống vực. Hòn đá sẽ rơi nhanh dần và nhanh dần, đến một lúc nào đó nó sẽ chạm tới lòng đất. Cuộc sống của chúng ta cũng như thế đấy.
Có một đoạn kinh viết rằng: “ ta không thể biết cái gì sẽ đến nhanh hơn, ngày mai hay là cái chết” Đúng là như vậy. Ngày hôm nay chúng ta nghe giảng pháp và nghĩ rằng ngày mai chúng ta có thể nghe lại. Nhưng không ai biết được liệu chúng ta có còn sống. Còn sống vào ngày mai là một điều không chắc chắn. Do đó, chúng ta nên ý thức rõ về sự có mặt thường trực của cái chết. Hiểu biết như vậy sẽ thôi thúc ta thực hành Pháp.
Đặc biệt là ngày hôm nay, chúng ta có thể quan sát xem có bao nhiêu nguyên nhân có thể dẫn đến cái chết bất ngờ. Ví dụ như xe ô tô thì rất tiện lợi để di chuyển nhanh, nhưng đồng thời nó cũng hàm chứa nhiều nguy cơ. Bất cứ chỗ nào chúng ta tìm kiếm, ta sẽ thấy những ví dụ. Như về thuốc thang chẳng hạn, có thể xảy ra trường hợp là ai đó không biết đến liều lượng và vì thế mà qua đời. Về thực phẩm nữa, có người có thể chất đặc biệt, họ không thể ăn một vài loại thức ăn, họ có thể bị ngộ độc và tử vong. Chúng ta nên ý thức rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết. Do đó chúng ta nên thực hành pháp lúc này.
Khi cái chết đến, chúng ta chỉ có thể nương tựa chính mình. Nếu chúng ta biết ai đó có quyền lực và mong họ giúp ta trong giây phút ấy. Dù họ có muốn giúp cũng không giúp được. Của cải cũng vậy, ngay cả người giàu nhất trên thế giới vào giây phút lìa đời, tiền bạc cũng không thể giúp được vị ấy. Chúng ta có thể có rất nhiều bạn bè thân thiết, cho dù vậy, họ cũng không ngăn cản được cái chết. Chết như là một hòn đá đang rơi, một thác nước, không thứ gì có thể ngăn cái chết không xảy ra.
Trong giây phút lìa đời, cơ thể sẽ mất sức lực, ví dụ như ta không thể ăn được. Chúng ta không còn khả năng để biết mùi vị. Ngay cả khi chúng ta cho được thức ăn xuống dạ dày, cơ thể cũng không tiêu hoá được thức ăn ấy. Mắt không thể nhìn thấy rõ, những chức năng của cơ thể không còn. Đây được coi là một quá trình rất tự nhiên, bởi vì cơ thể con người được tạo thành từ 4 yếu tố, cho nên nó lại tan rã thành 4 yếu tố ấy. Chúng ta sẽ không còn sức lực để thở vào sau khi đã thở ra. Chúng ta không kiểm soát được các hoạt động của cơ thể. Nếu chúng ta chưa học về tâm, lúc này chúng ta sẽ trải qua những trạng thái tinh thần rất khó khăn. Thông thường thì chúng ta sẽ rất sợ hãi khi nhận ra rằng tâm thức đang lìa bỏ thân xác. Chẳng có gì để bám víu được nữa, chúng ta không biết chuyện gì đang và sắp xảy ra. Nếu chúng ta chưa học về tâm thức, đây sẽ là một trải nghiệm rất khó khăn. Có một đoạn kinh viết rằng: “nếu chúng ta không gây ra một nhân, thì quả sẽ không chín, Nhưng nếu ta đã gây ra thì quả là điều không tránh khỏi” Điều này thật quan trọng trong quá trình cái chết xảy ra.
Trong cuộc đời ta, ta gần gũi với ta nhất, và thấy bản thân là quan trọng nhất, chúng ta quá chú tâm đến bản thân. Ta, cái tôi, được hiểu là tôi; là cái thân này; là trung tâm của mọi hành động. Tất cả những gì xảy ra đều liên quan đến cái tôi này. … Chúng ta làm những việc lành thiện, chúng ta sẽ có hạnh phúc, chúng ta làm những điều bất thiện, chúng ta sẽ có những khổ đau. Những trải nghiệm hạnh phúc hay khổ đau từ những hành động mà mình đã làm sẽ theo ta trong phút lìa đời. Tất cả những nghiệp thiện và bất thiện trong hành động và lối sống sẽ tái hiện trong tâm trong thời khắc quan trọng ấy. Chúng ta không cần phải mang vác, không cần phải kéo chúng theo bằng một sợi dây thừng. Chúng ta cũng không thể bảo với chúng: tôi không thích anh, hãy đi chỗ khác” Chắc chắn rằng nghiệp quả sẽ luôn đồng hành với chúng ta, như hình với bóng vậy.
Ngày xưa, có một Geshe đến từ truyền thừa Kadampa, thầy thường suy nghĩ rất nhiều về vô thường và cái chết. Thầy thực hành mật thất trong một hang đá nhỏ trên núi cao. Phía trước của chiếc hang là một bụi cây, và mỗi khi Geshe phải đi ra ngoài để thả lỏng hoặc đi lấy nước, thầy phải chui qua bụi cây gai góc. Thật khó chịu cho thầy, vì thầy thường bị đau đớn và bụi cây thì xé rách quần áo của thầy. Khi lần đầu tiên thầy chui vào bụi cây thầy nghĩ: Ta phải chặt cái bụi cây này đi. Ta phải làm cái gì đó với nó” . Nhưng sau đó thầy lại quyết định để nguyên bụi cây đó, lại tiếp tục chui qua nó vì thầy nghỉ rằng nên dành thời gian để hành thiền thì tốt hơn.
Về sự vô thường và cái chết. Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải hiểu là vào giờ phút của cái chết, chỉ có duy nhất một điều có giá trị, đó là, chúng ta đã điều phục tâm mình được bao nhiêu qua việc thực hành pháp. Chúng ta suy ngẫm về điều này để có thể luôn nhớ đến giáo pháp, đến việc thực hành và không bị lãng xao bởi những điều vô ích. Điều tốt nhất, tất nhiên là có thể thực hành nghiêm mật nhất để đạt tới giác ngộ trong đời này, như trường hợp của Milarepa. Rất ít người có thể thành tựu được điều này. Sẽ là rất tốt nếu ta có thể thực hành theo cái cách để ta có thể nói với bản thân: Nếu tôi phải chết vào lúc này, tôi sẽ không có gì để hối tiếc. Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể. Về việc thực hành sẽ là rất tốt nếu ta luôn có cảm giác rằng ta đã làm tất cả những gì ta có thể làm.
Nghiệp
Nếu chúng ta không khi nào làm một hành động, thì ta sẽ không phải kinh nghiệm kết quả của hành động đó, nhưng mỗi hành động ta đã thực hiện thì sẽ dẫn đến kết quả, điều này là chắc chắn. Cơ bản là các hành động được chia làm hai hướng, một hướng dẫn đến hạnh phúc và một hướng dẫn đến khổ đau. Tựu chung thì, chúng ta thường có cả hai nghiệp lực, tuy vậy một nghiệp lực thì sẽ mạnh hơn nghiệp lực còn lại và chúng ta có thể nỗ lực để làm mạnh mẽ một nghiệp lực.
Quả của hành động thì sẽ chắc chắn tới dù sớm hay muộn, và nghiệp quả ấy sẽ mang đến hạnh phúc hay khổ đau phụ thuộc vào nghiệp chủ lực. Ví dụ như nếu có ai đó luôn làm những điều thiện lành và thực hành pháp trong đời này và cũng đồng thời làm một vài việc bất thiện. Trong đời kế tiếp, quả của những hành động thiện lành sẽ là chủ lực, vì nghiệp lực này mạnh hơn nên người đó sẽ có rất nhiều thuận duyên ví dụ như có một điều kiện tốt lành để tiếp tục thực hành pháp nhưng những chướng duyên cũng sẽ đến do những những bất thiện nghiệp khi xưa đã làm.
Tuy nhiên, nếu nghiệp lực bất thiện nặng hơn lực thiện, thì kết quả của những hành động bất thiện sẽ rất mạnh mẽ và khổ sở sẽ là những gì mà ta phải chịu. Ví dụ như một biểu hiện của nghiệp khổ sở là tình trạng ở địa ngục. Nếu những dấu ấn của bất thiện nghiệp là mạnh mẽ trong tâm của ta, ta sẽ không có một chút tự do nào để nghĩ về việc gì đó thiện ích. Chúng ta bị quanh quẩn trói buộc trong những hoàn cảnh tiêu cực mà tìm thấy một việc gì thiện để làm là rất khó khăn. Như thế, hành động của ta ở thời điểm này sẽ quyết định tương lai.
Những gì mà Đức Phật kinh nghiệm và một người bình thường kinh nghiệm là rất khác biệt. Dù về bản tánh chân thật của tâm thì bản tánh tâm của Đức Phật và của mọi người thì không khác nhau. Tuy vậy tất cả hành động của một vị chưa giác ngộ thì đều xuất phát từ tâm tập trung vào bản ngã. Tất cả những gì ta làm thì đều chỉ xoay quanh bản ngã này, và do đó ta thường thực hiện hành động bất thiện và dòng chảy của nghiệp sẽ dẫn đến quả là khổ đau và chướng duyên, trở ngại. Ngược lại, Đức Phật là một người hoàn toàn chú tâm vào những thiện hạnh và phát triển ý thức tới những thiện hạnh và làm lớn tâm nguyện vì lợi ích của chúng sinh mà đạt giác ngộ. Nhờ sự không ngừng tích luỹ phước đức, Ngài ngày càng có nhiều tự do, tâm rộng lớn và đạt thành quả Phật. Đây là điểm khác biệt duy nhất giữa một vị Phật và một người bình thường.
Luân hồi- những cõi tồn tại.
Do những kết quả của những hành động trong quá khứ, chúng ta phải kinh qua 6 cõi luân hồi. Những hành động cực đoan tiêu cực sẽ dẫn đến trải nghiệm cõi địa ngục nơi mà không có gì khác ngoài sự đau đớn tột cùng, giống như nóng và lạnh cùng cực. Những từ ngữ về hạnh phúc và dễ chịu thì không bao giờ được nghe thấy ở cõi này. Một ví dụ khác về một cõi khổ đau chính là cõi ngạ quỷ, ma đói. Những khổ sở phải kinh nghiệm ở cõi này được miêu tả như là chúng sinh phải chịu đói chịu khát cùng cực, thức ăn và nước uống là điều mà họ không bao giờ nghe thấy. Nếu có thứ gì đó có thể ăn uống được, thì chúng sinh ở cõi này lại không thể đưa vào bụng, bởi vì họ có một cái dạ dày khổng lồ và có một cái cổ họng nhỏ xíu và dài ngoằng. Do đó, ngay cả khi có thể tìm thấy thức ăn, chúng sinh cũng không thể thoả được cơn đói khát. Trong kinh còn viết có những chúng sinh còn có 7 nốt buộc ở cổ họng và do vậy không có gì có thể vào được tới bụng.
Như đã được truyền dạy rằng những kinh nghiệm khổ sở nhất xảy ra ở cõi địa ngục, nhưng kinh nghiệm ở cõi ngạ quỷ cũng không khá hơn. Thật là những khổ sở cùng cực. Cõi súc sinh thì bớt đau đớn hơn, nhưng chúng sinh ở cõi này cũng khổ sở vô cùng. Chúng ta biết được điều này bằng kinh nghiệm từ chính bản thân ta. Ví dụ như, loài vật thì bị bóc lột sức lao động hoặc bị đối xử tàn nhẫn vì lợi nhuận ở những nước Châu Á. Thú nuôi ở phương tây thì được đối xử tốt hơn, tuy vậy quán sát loài vật ở chốn hoang dã, ta có thể thấy khổ sở của chúng, luôn phải đi săn mồi và sát hại lẫn nhau. Loài lớn hơn sẽ ăn thịt loài nhỏ hơn và sẽ không khi nào kết thúc được cái vòng khổ sở.
So với những khổ đau ở 3 cõi thấp, những kinh nghiệm của 3 cõi cao thì tất nhiên là dễ chịu hơn, nhưng chỉ là khi so với các cõi thấp. Nếu ta suy ngẫm về cuộc đời của mỗi người. Ta sẽ thấy những điều hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như những gì mà con người phải trải qua trong cuộc đời. Chúng ta sinh ra, rồi già đi, ta bệnh tật và chết- quá trình này thật lắm khổ sở. Ngay cả khi ở trong bụng mẹ, là một bào thai, chúng ta cũng đã phải trải qua khổ sở. Có những miêu tả như thế này: nếu người mẹ ăn quá ít, bào thai sẽ cảm thấy mình đang rơi nơi hai khe núi. Nếu người mẹ ăn quá nhiều, bào thai sẽ cảm thấy mình đang bị ép giữa hai tảng đá. Đối với thai nhi, được sinh ra là một kinh nghiệm khổ sở. Đầu tiên đứa trẻ nằm trong bọc ối và những thứ xung quanh đều dễ chịu với da của bé. Khi được sinh ra, bé như bị tống đẩy qua một ống thép hẹp. Sau khi sinh, những gì em bé tiếp xúc thì vô vàn khó chịu dù chiếc khăn có mềm mại như thế nào, hay bàn tay của ta có nhẹ nhàng như thế nào khi chạm vào bé. Nó giống như những cái gai nhọn – hoàn toàn ngược với những gì bé cảm nhận khi ở trong bụng mẹ. Khi đứa trẻ ra đời, chúng đều khóc để diễn tả những đau đớn của mình.
Khi còn trẻ và ở tuổi trung niên, chúng ta có thể tận hưởng cuộc sống một mức độ nào đó. Nhưng sau đó chúng ta trở nên già hơn và ngày càng thêm nhiều nỗi khổ. Chúng ta trở nên không còn nhanh nhẹn, đứng lên ngồi xuống đều không dễ dàng. Trước đó, ta có thể là người rất năng động, nhưng giờ thì yếu nhược. Con trẻ thì không còn coi trọng ta như trước nữa Nếu ta muốn nói với chúng một điều gì đó, cũng không thể truyền đạt được. Họ không đồng thuận, chúng chỉ phản ứng lại theo cách tiêu cực và điều đó làm tổn thưởng một kẻ già nua như ta.
Chắc là ta không cần phải nói nhiều đến bệnh tật. Tất cả những người đã bệnh sẽ biết ốm đau khó chịu như thế nào, và ta thì đã bàn về sự khổ của cái chết trước đó. Chúng ta mất đi sự kiểm soát và sẽ là vô vọng khi trông chờ vào lòng thương của thần chết. Nếu chúng ta quán chiếu tất cả điều này, chúng ta có thể thấy rằng không có nhiều hạnh phúc thực sự có thể được tìm thấy trong cõi người. Nó chỉ là rất dễ chịu khi so sánh với các cõi địa ngục và cõi ngạ quỷ.
Cuộc đời của các cõi Atula và á thần tạo thành do tâm đố kỵ và ghen tuông. Sự thực thì họ đã tích luỹ được nhiều nghiệp thiện, nhưng lại chưa đủ để có thể trải nghiệm đời sống trong cõi trời. Họ nhìn thấy được cõi trời và do vậy luôn ghen tỵ với chúng sinh cõi trời và những cảnh giới thiên đàng của họ. Đời số họ tràn đầy ghen tỵ và đố kỵ và đây là cái khổ của họ.
Chúng sinh cõi trời được hưởng thụ những thiên cảnh là quả của những thiện nghiệp. Họ có tất cả những thứ mà mình mong muốn và mọi thứ thì xuất hiện một cách ngay lập tức. Họ không cần phải nỗ lực để tìm kiếm thứ gì, ngay cả thức ăn và những điệu kiện sống tốt lành. Mọi thứ đối với họ đều dễ chịu. Nhưng kinh nghiệm tốt đẹp này chỉ tồn tại khi họ còn có phước báu. Khi họ hưởng thụ những điều kiện tốt đẹp trên, những phước báu của họ cũng dần hết. Sau đó, sẽ tới lúc mà những dấu ấn tích cực trong tâm đã cạn kiệt thì chúng sinh cõi trời phải chịu đựng khổ sở khủng khiếp. Nỗi khổ của sự chết trở thành rất khốc liệt đối với họ bởi vì lúc này họ rất có ý thức về nó. Chúng ta, một cách chung chung, thì không khổ về sự chết chừng nào cái chết còn chưa gần kề – sự chết giống như một thứ gì đó trừu tượng. Tuy nhiên, chúng sinh cõi trời thì biết rất rõ rằng họ sẽ phải chết, rằng chết thì có nghĩa là như thế nào. Lúc này họ biết họ đã sử dụng hết những phước báu trong tâm và khổ sở thì đang tới.
Như vậy, ta có thể thấy rằng thực không ý nghĩa để tìm cầu thứ gì đó trong luân hồi, dù nơi nào ta được sinh ra cũng không thể có niềm vui hạnh phúc dài lâu. Chúng ta chỉ có được những giây phút hạnh phúc nhanh chóng qua mau. Mọi việc cứ như là ta đang ngồi trên đầu cây kim, thật không dễ chịu chút nào.
Thân người quý giá
Nơi chốn nào ta phải trải nghiệm trong luân hồi, hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân ta. Mọi việc luôn là kết quả của hành động của ta, và kết quả đó được phản ánh bằng thế giới bên ngoài. Mọi việc đều do nghiệp bất thiện và thiện lành mà ta đã làm trong quá khứ. Là con người, Chúng ta có tự do để chọn lựa giữa thực hiện hành động thiện hay bất thiện. Trong các cõi luân hồi khác, họ còn không có cả tự do để lựa chọn. Chúng sinh trong các cõi đó bị chi phối bởi nghiệp hay những hoàn cảnh bên ngoài khiến họ không có sự lựa chọn nào. Đó là lý do vì sao, sinh ra trong cõi người được coi là rất quý báu. Chúng ta có năng lực, ý chí để quyết định làm một điều gì đó và cũng như tránh xa khỏi những điều khác. Trong thế giới loài người, chúng ta có thể tích luỹ được rất nhiều công đức thiện lành, và nhờ phước đức đó, ta có thể có những duyên lành để đạt đến giải thoát và Phật Quả trong tương lai. Cơ hội này là kết quả của những thiện nghiệp trong quá khứ và chúng ta nên nhìn nhận cơ hội một cách rõ ràng. Chúng ta nên trân quý cơ hội này và chớ nên lãng phí đời mình vào việc hưởng thụ những quả tốt lành của quá khứ và quên mất về phải tích luỹ thêm nữa cho con đường tâm linh.
Trong kiếp người, điều quan trọng nhất đối với ta là nhận ra nó quý báu nhường nào. Thân người là quý báu, bởi vì ta có cả tương lai trong tay mình. Nếu ta không chăm lo, quan tâm, thì rất có khả năng là ta sẽ lại tái sinh trong các cõi thấp. Nếu ta quyết tâm là sẽ đạt được Phật quả, với thân người này ta sẽ có khả năng để thực hiện những hành động phù hợp và tích luỹ phước đức và trí tuệ. Do vậy chúng ta nên thực sự quan tâm đến cách chúng ta sống cuộc đời mình. Ví dụ như, chúng ta không nên nghĩ rằng: chuyện này chỉ có chút ít tiêu cực, sẽ không sao nếu tôi làm nó hay không” thay vào đó, ta nên tránh bất kì hành động bất thiện nào cho dù là nhỏ nhất bởi vì kết quả của hành động ấy có thể là rất đau đớn. Chúng ta nên nỗ lực bằng mọi cách để làm những việc thiện, ngay cả khi nó rất nhỏ. Có rất nhiều cơ hội để làm một việc thiện, như là tâm bố thí, cúng dường, thực hành phật pháp đều đặn, thiền đinh, tụng chú, lễ lạy, và rất nhiều các pháp hành khác. Điểm cốt yếu là nhận ra cơ hội của mình và quyết định sử dụng chúng một cách hoàn toàn hữu ích.
Đức Phật đã đạt được giác ngộ bởi vì ngài đã quyết định đi theo một con đường. Ngài đạt đến sự toàn tri, giúp ngài có thể thấy biết hết được mọi việc. Do đó ngài dạy và và miêu tả về các cõi trong luân hồi. Chúng ta không có được khả năng này và ta không thể nói về những gì chúng sinh phải trải qua. Ví dụ như bản thân thầy, thầy không thể tự biết những gì phải chịu đựng trong địa ngục. Chắc chắn rằng, trước kia thầy đã từng trải qua các cõi đó, nhưng giờ thì thầy không thể nhớ. Chúng ta cũng không thể biết kinh nghiệm của trạng thái giác ngộ là như thế nào. Thầy cũng không thể giảng về trạng thái này, vì thầy cũng chưa kinh nghiệm được nó, nhưng Đức Phật, từ sự giác ngộ của ngài và sự toàn tri, ngài có thể diễn bày và giảng giải về trạng thái ấy. Ví dụ như, Đức Phật thì chưa trải qua kinh nghiệm của người phụ nữ sinh con. Nhưng khi ngài giảng về đưá trẻ có những kinh nghiệm gì khi được sinh ra và người mẹ phải trải nghiệm những đau đớn như thế nào, đây đều là những hiểu biết từ trạng thái toàn tri của ngài. Tuy nhiên, ngày nay thì ta không còn có thể gặp ngài trực tiếp, và đó là lý do tại sao một vị thầy thì rất quan trọng, vị thầy là nơi ta quay về nương tựa, bởi vì thầy chính là người đem giáo pháp của đức Phật tới với ta lúc này.
Nếu bây giờ ta đã có cơ hội được thân người với tất cả những thuận duyên, Chúng ta nên sử dụng cơ hội này trong mọi hoàn cảnh và chớ lãng phí. Nếu ta vẫn chưa thực sự thấu hiểu về vô thường và cái chết, ta sẽ không thực sự chuyển tâm mình hướng tới pháp. Chúng ta sẽ không thể thực hành pháp một cách nghiêm túc, bởi vì ta vẫn chưa thực sự thấu hiểu ý nghĩa của giáo pháp. Đó là lý do vì sao Gampopa đã viết giáo lý của ngài rằng hiểu thấu về vô thường và cái chết là nền tảng cần thiết để thực hành nghiêm túc. Ta nên quán chiếu về điều này nhiều lần, cho tới khi nó trở thành một sự chắc chắn trong nội tâm và là một sự thật hiển nhiên.
Nguồn tài liệu: Buddhism Today- The Diamond Way số 13
chuyển ngữ: Thư Viện Karma Kagyu