CƠN MƯA LIÊN HỒI VÌ LỢI ÍCH CHÚNG SINH
Luận bởi Đức Karmapa thứ 15
Khakhyab Dorje
(tài liệu trong chuyến thăm giảng pháp ở Việt Nam của Jamgon Kongtrul Rinpoche 2024)
Nghi quỹ “Thiền tụng Đại Bi Quán Thế Âm vì lợi lạc chúng sinh khắp hư không” là bản văn cô đọng mà Tangtong Gyalpo – vị đại thành tựu giả lỗi lạc đầy quyền năng đã trao truyền trực tiếp.
Con xin cúi đầu trước Đấng Bảo Hộ đáng kính chính là Đức Quán Thế Âm Avalokita, người chưa từng từ bỏ những hoạt động thiêng liêng để vét cạn đáy luân hồi. Sự hiện hữu của Ngài là biểu hiện của tâm đại bi mẫn hiển nhiên của tất cả chư Phật, và các Đấng Chiến thắng.
Trong tất cả các Đấng Chiến Thắng, chính Ngài là người có tâm giác ngộ và hoạt động giác ngộ tối thượng nhất. Ngài không an trụ trong trạng thái thiền định tĩnh lặng, mà liên tục hóa hiện các hoạt động giác ngộ trong tam thế (quá khứ, hiện tại và vị lai) để hướng dẫn sáu loại chúng sinh cho đến khi luân hồi trống rỗng.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Người đồng hành chiến thắng của Mặt Trời) tiên tri rằng, Đức Quán Thế Âm được trao trọng trách để trông nom vùng đất của người Tây Tạng, (vùng đất của những người mặt đỏ), quê hương của những kẻ cứng đầu. Kể từ khi trị vì đất nước và nhờ vào sức ảnh hưởng mạnh mẽ, Ngài đã thực hiện các hoạt động lợi tha một cách thiết thực dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như làm vua, bộ trưởng, dịch giả, học giả, thành tựu giả, thiện nam và tín nữ. Năng lực gia trì của Ngài mạnh mẽ đến mức ngay cả những trẻ nhỏ bắt đầu bập bẹ học nói, chúng có thể tụng một cách tự nhiên câu lục tự đại minh là vua của của tất cả minh chú (Om Mani Padme Hung) mà không cần phải học.
Đấng Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm được coi là vị bổn tôn tiền định của vùng đất tuyết này. Đây là lý do tại sao các bậc hóa thân lỗi lạc trong quá khứ đã trình bày rất rõ dưới vô số hình thức gồm các bản văn dài và ngắn về đạo lộ (lộ trình thực hành) của bậc Thánh. Trong số ấy, pháp thực hành được giải thích ở đây là “Thiền tụng Đại Bi Quán Thế Âm vì lợi lạc chúng sinh khắp hư không”, do chính Đức Quán Thế Âm viết xuống, người đến để giúp đỡ chúng sinh trong thân tướng một đại thành tựu giả vĩ đại đó chính là Tangtong Gyalpo. Pháp thực hành này gồm có sáu phần:
- Phần mở đầu: Quy y và Phát Bồ Đề Tâm
- Phần thực hành chính: thiền định bổn tôn và
- Trì tụng minh chú;
- Phần kết: hoàn tất thực hành như là con đường và
- Hồi hướng cội gốc mọi công đức ;
- Và giảng giải lợi ích.
Phần thứ nhất: Quy Y và Phát Bồ Đề Tâm, Tâm tỉnh thức.
Trên bầu trời phía trước mặt ta, giữa những đám mây ngũ sắc và hoa xuất hiện Đức Quán Thế Âm tôn quý, bất khả phân với Đạo sư gốc. Trong bản thể tự nhiên Ngài hiển lộ, hiện thân của tất cả chư Phật chiến thắng, Tam Bảo trân quý và siêu phàm, Tam Gốc của mọi thời mọi phương (Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Tam Gốc : Đạo sư, Bổn tôn, Không hành nữ hay chư vị Hộ Pháp). Bản thân ta hiện diện như người dẫn đầu, xung quanh là những vị thù ghét ta, thân bằng quyến thuộc ở chính giữa; tất cả chúng sinh trong sáu cõi đều tập hợp lại đây.
Đức Thượng sư Quan Âm có sức mạnh và khả năng bảo vệ chúng ta khỏi luân hồi, đại dương của đau khổ. Thế nên với sự hiệp nhất của thân, khẩu và ý, chúng ta quy y với các phẩm chất sau:
- Niềm tin phó thác hoàn toàn [bản thân cho Ngài] như sự cứu thoát [nơi nương tựa] duy nhất của ta;
- Ước nguyện được gia hộ; và
- Niềm tin xác quyết rằng ta thực sự sẽ được gia hộ.
Chúng ta lặp lại nhiều lần nếu có thể:
Cho đến khi đạt được giác ngộ viên mãn, con xin quy y Phật, Pháp và Tăng bảo tối thắng.
Với niềm tin vững chắc, ta quán niệm rằng: từ nay trở đi, tất cả chúng sinh và con đều được sự che chở của Đấng Đại Bi Cao Thượng. Thấy rằng tất cả những chúng sinh được quán tưởng ở đây, không có một chúng sinh nào mà không từng là cha mẹ nhân ái của ta. Mong muốn duy nhất của họ là được hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ, tuy nhiên tất cả những việc họ làm chỉ là tạo nhân dẫn đến khổ đau nhiều hơn. Và quả báo là sự đau đớn tột cùng của luân hồi và những cõi giới bất hạnh: dày vò không lối thoát. Hành giả nghĩ: Con sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để an lập họ trong niềm hạnh phúc lớn lao nhất là trạng thái giác ngộ toàn hảo, viên mãn, và vô song. Tuy nhiên, ngay giờ phút này đây con không có khả năng để thực hiện được điều này, cho nên con sẽ thực hành trì tụng thiền định thâm sâu về Đức Quán Thế Âm tôn quý và đạt được trạng thái chân thực của Đấng Cao quý Tối thượng. Chừng nào luân hồi còn hiện hữu, con sẽ nỗ lực mang lại lợi ích cho chúng sinh bằng cách noi theo gương giác ngộ của Ngài.
Với nguyện vọng mãnh liệt, không giả tạo này, trước sự hiện diện của Đấng Thượng Sư Quán Thế Âm, con nguyện phát khởi Bồ Đề Tâm và rằng:
Nhờ công đức có được từ việc trì tụng thiền định này, nguyện con đạt được giác ngộ để làm lợi lạc chúng sinh.
Hành giả tụng câu này nhiều lần, ghi nhớ rõ ràng ý nghĩa của việc thiền định. Vô lượng tia sáng tỏa ra từ thân của Đấng Thượng Sư Quán Thế Âm chạm vào tất cả chúng sinh mà chúng ta quán tưởng, những tiêu cực, che chướng và đau khổ của họ được tịnh hóa và tất cả đều trở nên an lạc. Chúng ta quán tưởng rằng nơi quy y tan thành ánh sáng và tan hòa vào ta. Như thế, dòng tâm thức của chúng ta được gia trì.
Phần thứ hai: Thiền định bổn tôn
Ở phần Quy y, chúng ta quán tưởng bản thân mình trong thân tướng bình phàm, xung quanh là chúng sanh trong sáu cõi là đối tượng chính của lòng bi mẫn. Phía trên đầu mỗi chúng sinh là một đóa hoa sen trắng tám cánh đang nở rộ, có cả phấn và nhị hoa. Ở chính giữa là đĩa mặt trăng vô cấu nhiễm (Sharma Rinpoche giải thích rằng, trong hình tượng cổ xưa, đĩa mặt trăng thực sự chỉ phần trên của gương sen, được mô tả là có màu trắng, sáng bóng và phẳng như bề mặt của một tấm gương) và trên cùng là chủng tự HRI màu trắng như ngọc trai và sáng rực rỡ. Hành giả tự tri chủng tự HRI xuất hiện như là hiện thân đầy năng lực của tất cả các Đấng Chiến Thắng hội tụ thành một.
Vô số tia sáng như ánh sáng của mặt trăng tỏa ra từ chủng tự này, cúng dường tất cả mạn đà la của các Đấng Chiến thắng trong mười phương và làm hài lòng thân, khẩu và ý của các ngài. Sau đó, vô lượng tia sáng ấy chạm vào tất cả chúng sinh, thanh tịnh mọi thân bệnh và tâm bệnh, cũng như các nghiệp tiêu cực và tấm màn [vô minh] che phủ. Khi vô lượng tia sáng ấy bao trùm khắp không gian của sáu cõi nơi có chúng sinh, ánh sáng xóa sạch mọi đau khổ và ban cho mỗi chúng sinh niềm an lạc. Tất cả sự gia trì của chư Thánh chúng thu nhiếp thành ánh sáng và tan hòa vào chủng tự HRI trên đỉnh đầu của mỗi chúng sinh, ngay lập tức hóa hiện thành hình tướng của Đức Quán Thế Âm tôn quý, sắc trắng tuyệt vời như mặt trời chiếu trên tuyết với ánh sáng toả rạng. Từ thân Ngài phóng ra những tia sáng ngũ sắc tràn ngập cõi tịnh độ của chư Phật và khiến cho chư Thánh chúng thực hiện các công hạnh lợi tha. Ánh sáng cũng tràn ngập sáu cõi chúng sinh bên dưới, xua tan mọi đau khổ và an lập hạnh phúc khắp nơi.
Ngài an nhiên mỉm cười hiền hòa với tất cả chúng sinh và con. Lòng từ ái của Ngài đối với tất cả chúng sinh như tình thương của người mẹ dành cho đứa con một của mình, Ngài quán chiếu cả ba thời bằng đôi mắt thấu suốt.
Ngài có bốn tay, hai tay dưới chấp lại hình búp sen trước ngực. Tay phải phía trên cầm chuỗi tràng bằng pha lê; tay trái phía trên cầm một đóa hoa sen trắng tám cánh có cuống. Điểm tô thân Ngài là những dải lụa và Ngài mặc áo ngoài bằng lụa trắng thêu vàng; áo choàng bên dưới được làm bằng lụa đỏ.
Thân Ngài được trang nghiêm bởi nhiều trang sức quý báu khác nhau làm bằng vàng từ Sông Dzambu (Nghĩa là loại vàng nguyên chất và tốt nhất trong số các loại vàng. Nó có màu hơi đỏ, và được tìm thấy ở một dòng sông huyền thoại): một chiếc vương miện nạm các loại đá quý; hoa tai; dây chuyền ngắn, vừa và dài; vòng tay; lắc tay; vòng chân; và một chiếc thắt lưng có gắn những chiếc chuông nhỏ có âm vang leng keng du dương. Bên ngực trái của Ngài được khoác thượng y linh dương Krishnasara màu vàng (Krishnasara là một con nai hoặc linh dương thần thoại được cho là loài động vật có lòng nhân ái nhất. Krishnasara cố chịu đựng rất nhiều để tránh làm hại bất kỳ sinh vật nào khác và luôn bước đi cẩn thận để tránh nghiền nát côn trùng hoặc các loài sinh vật nhỏ khác). Một phần tóc của Ngài được buộc thành một búi; phần còn lại được xỏa tự nhiên. Phía trên đỉnh đầu Ngài ngự Đức Phật A Di Đà, đấng pháp vương của Liên Hoa bộ (Liên Hoa bộ là một trong năm bộ của Kim Cang Giới, gồm có Phật Bộ, Liên Hoa Bộ, Bảo Bộ, Kim Cang Bộ, Yết Ma Bộ. Ngũ bộ Phật được chủ trì bởi Ngũ trí Phật). Phật A Di Đà là Pháp vương của Liên Hoa bộ, nơi mà Đức Quán Thế Âm thuộc về), trong y phục hóa thân siêu phàm (nghĩa là y áo tăng sĩ và cầm bát khất thực). Đức Quán Thế Âm ngồi trong tư thế kiết già (Tư thế kim cương, giống như hoa sen: chân trái đặt trên đùi phải và bàn chân phải xếp trên chân trái, đặt trên đùi trái). Lưng Ngài tựa đĩa trăng tròn tuyệt hảo nâng đỡ cơ thể của Ngài (Theo Shamar Rinpoche, phần ghế tựa lưng này thực tế đề cập đến chiếc ngai vàng của các thành viên cao nhất trong hoàng gia Ấn Độ, những người được gọi là Chakravartin, hay các bậc chuyển luân thánh vương).
Nghĩ rằng ngài là hiện thân tinh túy của Phật, Pháp và Tăng hội tụ lại, nguồn cội quy y của ba thời và mười phương, sau đó niệm:
Trên hoa sen trắng và mặt trăng ở trên đỉnh đầu con và mỗi chúng sinh khắp hư không, là chủng tự HRI mà từ đó Đức Quán Thế Âm tôn quý xuất hiện, ánh sáng trắng lấp lánh và tỏa ra ánh sáng năm màu. Với nụ cười từ ái, Ngài nhìn con với ánh mắt từ bi. Hai tay dưới chấp lại trước ngực; và hai tay phía trên cầm một chuỗi tràng hạt pha lê cùng một đóa hoa sen trắng. Ngài khoác y áo bằng lụa là châu báu, và thượng y linh dương. Trên đỉnh đầu Ngài là Đức Phật A Di Đà, Ngài ngồi trong tư thế kim cương, tựa lưng vào vầng trăng tròn vô nhiễm. Về bản tánh, ngài là sự hợp nhất của mọi nguồn cội quy y. Hành giả dành thời gian, đọc và quán tưởng rõ ràng từng chi tiết trên thân Ngài.
Phần thứ ba: Trì tụng minh chú
Có hai phần trong trì tụng minh chú: triệu thỉnh dòng tâm thức của Bổn tôn qua lời cầu nguyện, và thực hành yoga Bổn tôn của ba cửa (thân, khẩu, ý) thông qua thực hành phóng chiếu và thu nhiếp lại.
Đầu tiên, tất cả chúng sinh và con nhất tâm cầu thỉnh Đức Quán Thế Âm tôn quý tối thượng, bậc đạo sư đã quán tưởng như trên và niệm rằng: Ngài thấu biết phải nên làm gì để mang đến lợi lạc cho chúng con, tất cả đều nằm trong lòng bàn tay ngài. Xin hãy giải thoát chúng con khỏi sáu cõi luân hồi và hướng dẫn chúng con đến trạng thái giác ngộ toàn giác viên mãn. Lặp lại lời cầu nguyện này nhiều lần như một trăm lần, hai mươi mốt lần, hoặc bảy lần, v.v… cho đến khi tâm chúng ta thuần phục và nhận thức của chúng ta thực sự chuyển hóa, chúng ta niệm:
Đấng Pháp vương, sắc thân ngài trắng không tì vết. Trên đỉnh đầu được điểm trang bởi Đức Phật toàn giác. Dõi nhìn chúng sinh với đôi mắt từ bi. Đối trước Đức Quán Thế Âm con cúi đầu đảnh lễ.
Nếu có khả năng và mong muốn, hành giả có thể đọc thêm bài cầu nguyện của Tỳ kheo ni [Gelongma] Palmo, Lời than thở của Lopön Dawa, hoặc những bài cầu nguyện thiêng liêng khác. Đối với tôi [tôi ở đây là Đức Karmapa thứ 15], dường như bất kỳ lời cầu nguyện đầy cảm hứng nào mang lại phước lành lớn lao đều rất đáng hoan nghênh để tụng đọc. Phần thứ hai là thành tựu yoga Bổn Tôn của ba cửa (thân, khẩu và ý) thông qua thực hành phóng chiếu và thu nhiếp [ánh sáng]. Sau khi nhất tâm cầu nguyện và khẩn cầu Ngài như đã mô tả, vô số tia sáng ngũ sắc, chủ yếu là sắc trắng, tỏa ra từ thân của Đấng Cao Quý trên đỉnh đầu chúng ta. Khoảnh khắc mà vô lượng tia sáng ấy chạm vào tất cả chúng sinh và con, nó giống như ánh sáng của ngọn đuốc xua tan bóng tối. Mọi thứ bất tịnh, mọi tiêu cực và che chướng do những hành động sai trái, mọi lỗi lầm và vi phạm sinh ra từ những cảm xúc phiền não, tất cả những điều này, bất kể nó có thể là gì, đều được tịnh hóa ngay lập tức. Điều đó bao gồm tất cả những hành động tiêu cực do chính con và những người khác gây ra từ vô thủy: năm hành vi tiêu cực nhất gây hậu quả tức thời (Theo truyền thống, năm hành vi tàn ác nhất là: giết mẹ, giết cha, giết một vị A La Hán (người đã chứng ngộ giải thoát khỏi luân hồi), làm thân Phật chảy máu bằng sự hung hãn, và chia rẽ Tăng đoàn của Phật. Đây là năm hành vi gây hậu quả tức thời và sẽ đọa thẳng vào cõi địa ngục sau khi chết, không trải qua trạng thái trung ấm) và những hành vi này thuộc mười hành vi bất thiện. Ba nghiệp bất thiện thuộc về thân: sát sanh, lấy của không cho, và tà dâm; bốn nghiệp bất thiện thuộc về khẩu: nói lời dối trá làm tổn thương các Lạt ma và người khác, gieo rắc sự bất hòa giữa những người quen thuộc bằng cách nói xấu, nói những điều không tử tế làm tổn thương cảm xúc của người, và nói những điều vô nghĩa; và ba nghiệp bất thiện thuộc về ý: đố kỵ, thèm muốn tài bảo và của cải của người khác; ác ý, nghĩ ra cách làm hại người khác; và tà kiến bao gồm việc không tin tưởng hay phủ nhận những lợi ích của sự giải thoát và những bất lợi của việc làm sai trái. Những che chướng là kết quả của hành vi không đúng đắn dựa trên tham muốn/ tham luyến bám chấp, giận dữ/sân hận, vô minh, kiêu mạn hay ghen tị. Chúng bao gồm những hành vi bị cấm và những hành vi không bị cấm nhưng bị coi là vi phạm vì chúng vốn là bất thiện. Chúng làm lu mờ khiến cho ta không thấy rõ hạnh phúc của các cõi cao và con đường dẫn đến giải thoát.
Những vi phạm ấy kéo theo sự bất kính đối với những giới nguyện đã thọ nhận như: giới biệt giải thoát, giới bồ tát và giới nguyện kim cương thừa; hoặc bỏ qua những giới nguyện này do bất cẩn. Kết quả của việc không giữ giới nguyện là sẽ đọa vào các cõi thấp.
Những việc làm đi ngược lại với các giới khinh cũng là phạm giới. Mặc dù chúng không dẫn đến việc rơi vào các cõi thấp, nhưng chúng làm trì hoãn việc đạt giác ngộ.
Khuynh hướng nhị nguyên do nghiệp chướng mê lầm, cùng với che chướng của sự thiếu hiểu biết, đã nuôi dưỡng sự bám chấp vào khái niệm ta và người như chủ thể và đối tượng kể từ khởi thủy. Tất cả những điều này đều được tịnh hóa như thế và [thân, khẩu, ý của chúng ta] trở thành bất khả phân ly với thân, khẩu và ý của Đức Quán Thế Âm, đó chính là ân phước gia trì của Ngài ban cho. Lúc này ta quán tưởng rõ ràng thân chúng ta trong hình tướng Đức Quán Thế Âm, giống như cầu vồng, sự hợp nhất của hiện hữu và không tánh, trải rộng khắp mọi nơi trong sáu cõi, nhiều như bầu trời bao la trú ngụ. Nơi chốn này đây, cõi bên ngoài của vô số thế giới, không gì khác hơn là cõi cực lạc Dewachen. Bản chất cõi nước ấy như châu ngọc quý báu và tràn ngập ánh sáng cầu vồng; khái niệm về đất, núi và đá chưa từng được nhắc đến ở đây. Tất cả chúng sinh trong sáu cõi, tức là tất cả dân chúng cư ngụ (Thuật ngữ được sử dụng ở đây để chỉ cõi giới bên ngoài và dân chúng cư ngụ bên trong có nghĩa đen là vật chứa và vật được chứa) [của vô số cõi giới] đều được giải thoát khỏi những nỗi đau khổ riêng biệt của họ và thân họ ngay lập tức trở thành thân của bậc Đại Bi Cao Thượng Quán Thế Âm. Tất cả mọi âm thanh, dù là lời nói của chúng sinh hay âm thanh của thế giới hiện tượng, đều được biểu hiện như là âm vang của mật trú sáu âm. Khi sự mê lầm, phụ thuộc vào khái niệm của tâm được tịnh hóa, tuệ giác của chúng ta hiển lộ như tâm của bậc Thánh, sự hợp nhất không thể tách rời của giác tánh và không tánh. Như vậy, thân, khẩu và ý của chúng sinh và của chính mình không gì khác hơn là biểu hiện thanh tịnh xuất hiện như thân tướng và cõi tịnh độ của bổn tôn; sự thanh tịnh của âm thanh là mật chú; và sự thanh tịnh của tâm là tánh giác không che chướng – tánh không. Khi chúng ta an trú vào không gian bao la rộng lớn trùm khắp tất cả, thoát khỏi sự bám chấp, chúng ta tụng:
Do kết quả của lời nguyện toàn hảo này, ánh sáng tỏa ra từ thân của Đức Quán Thế Âm, xua tan mọi nghiệp bất tịnh và những quan niệm sai lầm. Vũ trụ bên ngoài xuất hiện như Cõi Hỷ lạc Dewachen, và thân, khẩu, ý của chúng sinh sống ở đó là thân, khẩu và ý giác ngộ của Đức Quán Thế Âm. Hình tướng, âm thanh và nhận thức không tách rời khỏi tánh Không.
Sau khi quán tưởng rõ ràng những điểm được giải thích ở trên, chúng ta trì tụng minh chú Om Mani Padme Hung là phần chính của thời thực hành. Câu minh chú bí mật sáu âm này chính là Đức Quán Thế Âm Tối Thượng, hiện thân duy nhất của năng lực trí tuệ vô tận của tất cả chư Phật. Sức mạnh và năng lực mạnh mẽ của lòng bi mẫn và hoạt động giác ngộ dưới mọi hình tướng của Ngài được chuyên chú và thể hiện bằng minh chú bí mật sáu âm.
Chủng tự [OM] màu trắng.
Chủng tự hợp nhất các phẩm tánh giác ngộ, khởi sinh từ động lực tự nhiên từ trong ngũ trí của Đức Quán Thế Âm. Đó là bản tánh thiền định ba la mật (Các ba la mật là những phẩm chất siêu việt cần được hoàn thiện trên con đường giác ngộ. Theo truyền thống, trong Phật giáo Bồ tát thừa nói chung có sáu phẩm tính; một số kinh điển nói đến mười. Mỗi âm tiết trong thần chú của Quán Thế Âm đều thể hiện tinh túy của một trong sáu ba la mật). [Chủng tự này] tịnh hóa cảm xúc kiêu mạn, nhân cũng như quả báo chung của kiêu mạn. Đặc biệt hơn đó là tịnh hóa nỗi đau khổ ở cõi Thiên: sự biến chuyển và rơi xuống từ cõi trời. Điều này không gì khác hơn là hình tướng và hoạt động giác ngộ của vị trời Indra, Người cai trị Trăm Tế Lễ, và Bậc Đại Trí Tuệ của các vị thần. [OM] hiển lộ như ánh sáng hào quang của Bình Đẳng Tánh Trí. Dẫn dắt chúng sinh sáu cõi về cõi Phật Vinh Quang ở phương nam và đạt được thân tướng của Bảo Sanh Phật.
Chủng tự [MA] màu xanh lá.
Chủng tự của hoạt động giác ngộ, khởi sinh từ lòng bi mẫn của Đức Quán Thế Âm biểu hiện của tình thương vô lượng mà Ngài dành cho tất cả chúng sinh. Đó là bản tánh nhẫn nhục ba la mật. Tịnh hóa cảm xúc đố kỵ, nhân cũng như quả báo chung của đố kỵ. Đặc biệt hơn đó là tịnh hóa nỗi đau khổ ở cõi A Tu La luôn cãi vã và xung đột. Đó không gì khác hơn là hình tướng và hoạt động giác ngộ của Vemacitra, Áo choàng lộng lẫy, Bậc Đại Trí Tuệ của cõi Bán thiên. Hiển lộ như ánh sáng hào quang của Thành Sở Tác Trí. Dẫn dắt chúng sinh sáu cõi về Bắc Phương Thắng Nghiệp quốc và đạt được thân tướng của Bất Không Thành Tựu Phật.
Chủng tự [NI] màu vàng.
Chủng tự NI màu vàng. Khởi sinh từ động lực tự nhiên của lòng đại bi trùm khắp mà không cần dụng công của Đức Quán Thế Âm. Đó là trí tuệ kim cương, hoá hiện qua những hoạt động giác ngộ của thân, khẩu, ý. Chủng tự [NI] tự chuyển hóa luân hồi thành niết bàn, vượt thoát đau khổ. Đó là bản tánh trì giới ba la mật. [NI] tịnh hóa những phiền não của vô minh, sự bám víu nhị nguyên là nhân cũng như quả báo chung của phiền não. Đặc biệt hơn đó là tịnh hóa bốn dòng sông đau khổ lớn của con người là sinh, lão, bệnh và tử. Đó không gì khác hơn là hình tướng và hoạt động giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc Đại Trí Tuệ của loài người. Hiển lộ như ánh sáng hào quang vốn có của Trí tuệ hiện tiền bản nhiên. Dẫn dắt chúng sinh sáu cõi đến Akanishtha, cõi Phật thanh tịnh hoàn toàn của Pháp Giới, và đạt được thân tướng Kim Cang Trì là vị Phật thứ sáu.
Chủng tự [PAD] màu xanh dương đậm.
Chủng tự của thân giác ngộ, khởi sinh từ động lực tự nhiên của sự bình đẳng vô lượng: Lòng bi mẫn hoàn toàn bình đẳng của Đức Quán Thế Âm. Đó là bản tánh trí tuệ ba la mật. [Chủng tự PAD] tịnh hóa phiền não vô minh, nhân cũng như quả báo chung của vô minh. Cụ thể hơn, tịnh hóa những đau khổ ở cõi súc sinh: hôn trầm, câm lặng và nô lệ. Đó không gì khác hơn là hình tướng và hoạt động giác ngộ của Shravasinha, Sư tử kiên định và bậc Đại Trí Tuệ của loài thú. Hiển lộ như ánh sáng hào quang vốn có của Pháp Giới thể Tánh Trí. Dẫn dắt chúng sinh đến cõi Phật ở trung tâm và đạt được thân tướng của Tỳ Lô Giá Na Phật
Chủng tự [ME] màu đỏ.
Chủng tự của khẩu giác ngộ, khởi sinh từ động lực tự nhiên của hỷ lạc vô lượng, lòng từ bi đồng đều của Đức Quán Thế Âm đối với tất cả. Đó là bản tánh bố thí ba la mật. Chủng tự [ME] tịnh hóa tham ái/tham luyến, tham lam và keo kiệt, nhân cũng như quả báo chung của tham ái. Đặc biệt hơn, tịnh hóa nỗi đau khổ ở cõi ngạ quỷ: đói khát. Đó không gì khác hơn là hình thức và hoạt động giác ngộ của Jva Lamukhadeva, Miệng rực lửa, bậc Đại Trí Tuệ của những linh hồn đói khát. Hiển lộ như ánh sáng hào quang vốn có của Diệu Quan Sát Trí. Dẫn dắt chúng sinh sáu cõi đến Tây Phương Cực Lạc quốc Dewachen, và đạt được thân tướng của Đức Phật A Di Đà.
Chủng tự [HUNG] màu đen.
Chủng tự của tâm giác ngộ, khởi sinh từ động lực tự nhiên của lòng bi mẫn của Đức Quán Thế Âm, lòng bi mẫn vô lượng, quan sát tất cả chúng sinh như con một của mình. Đó là bản tánh trí tuệ tối thượng ba la mật. [HUNG] tịnh hóa sự sân giận/ác cảm nhị nguyên, nhân cũng như quả báo chung của sân giận. Đặc biệt hơn, tịnh hóa nỗi đau khổ mà những chúng sinh trong cõi địa ngục phải chịu đựng: cực nóng và cực lạnh. Đó không gì khác hơn là hình tướng và hoạt động giác ngộ của Dharmaraja, Diêm vương và Bậc Đại Trí của cõi địa ngục. Hiển lộ như ánh sáng hào quang vốn có của Đại Viên Cảnh Trí. Dẫn dắt chúng sinh sáu cõi đến Đông Phương Diệu Hỷ quốc, và đạt được thân tướng của Bất Động Phật.
Câu lục tự đại minh, vua của mọi minh chú bí mật, là tinh túy của sức mạnh và năng lực của hoạt động giác ngộ vô lượng, giải thoát chúng sinh trong sáu cõi khỏi vực thẳm của luân hồi. Vì vậy, Hành giả nên trì tụng chú này càng nhiều càng tốt trong phần thực hành chính.
Vào lúc cuối thời trì tụng, ánh sáng từ thân Đức Quán Thế Âm phía trên đỉnh đầu ta khiến tất cả các pháp giới bao la, các thân tướng giác ngộ và các cõi tịnh độ, (như đã được quán tưởng), hoá thành ánh sáng rồi tan hòa vào Đấng Thượng Sư Quán Thế Âm. Ngài cũng tan thành ánh sáng và tan vào chúng ta, và rồi chính chúng ta cũng tan thành ánh sáng. Chính là ánh sáng trong suốt của tánh Không, thoát khỏi ba chấp trước (chấp ta, chấp người, chấp pháp) bám chấp vào ta và người, vào Bổn tôn và Mật chú. Hoàn toàn thoát khỏi mọi gán đặt, định danh, chẳng hạn như tồn tại/không tồn tại, hiện hữu/không hiện hữu, không có cũng không không. Hình tướng, âm thanh, ý thức không tách rời với tánh Không, vượt thoát [chủ thể] quan sát và [đối tượng] được quan sát. Chúng ta duy trì trạng thái thiền định này càng lâu càng tốt trong bản tánh tự nhiên của Pháp giới bao la trùm khắp tất cả, chính là tâm của Đức Quán Thế Âm.
Phần thứ tư: Kết thúc, Thực hành con đường.
Khi ra khỏi trạng thái thiền định, chúng ta duy trì kinh nghiệm thiền định mà trong đó mọi vật chất được tạo bởi năm nguyên tố xuất hiện với ta và người như đất, đá, núi, v.v., được hợp nhất trong thân tướng Quán Âm, Đấng Đại Từ Đại Bi. Mọi âm thanh của chúng sinh và cả những âm thanh từ các pháp vô tri, đều là giai điệu lục tự đại minh: khẩu của Đức Quán Thế Âm. Mọi ý niệm và khái niệm đều là tánh giác không lằn mé – tánh không, bản tánh nền tảng của Pháp thân: tâm của Đức Quán Thế Âm. Khi du hành, tản bộ, ngủ, ngồi, nói chuyện hoặc giao tiếp, khi tham gia vào bất kỳ hoạt động nào, tránh bám chấp vào khái niệm thông thường mà chuyên chú vào ba nhận thức (hiện tướng, âm thanh và ý niệm như thân, khẩu và ý của Bổn tôn) như được mô tả:
Thân vật lý của ta là thân của Đấng Cao quý, mọi âm thanh là giai điệu của sáu âm, và ý nghĩ là sự bao la của đại trí tuệ.
Phần thứ năm: Hồi hướng cội gốc công đức cho sự giác ngộ và ước nguyện.
Tất cả mọi thiện đức được tích lũy trong dòng tâm thức nhờ thực hành thiền tụng này đều hồi hướng đến tất cả chúng sinh. Nhờ sự tích lũy công đức vô song này, nguyện ta nhanh chóng đạt được trạng thái tối thượng ngang bằng với Đức Quán Thế Âm. Nguyện ta có đủ sức mạnh và khả năng để an lập tất cả chúng sinh vô lượng như hư không, không trừ một ai trong trạng thái giác ngộ chân thật và viên mãn, đồng một thể với Đức Quán Thế Âm tôn quý. Khi nghĩ như thế, chúng ta niệm:
Nhờ công đức này, nguyện con nhanh chóng đạt được quả vị của Đức Quán Thế Âm, và nguyện con an lập tất cả chúng sinh không sót một ai vào quả vị ấy.
Vào lúc cuối thời khóa, chúng ta tụng thêm càng nhiều lời cầu nguyện thanh tịnh càng tốt. Đối với những ai không thể thực hành như vừa giảng giải nên bắt đầu bằng việc Quy y và phát Bồ đề tâm. Đối với phần thực hành chính, hãy quán tưởng rằng Đức Quán Thế Âm Cao quý, Tối thượng, như được mô tả trong nghi quỹ, đang ngự trên đầu bạn. Để tâm không xao lãng vào lời thỉnh cầu, hãy tụng bài nguyện trong khi suy nghĩ như sau: Đấng Thượng Sư Quán thế ÂM, xin hãy để tâm đến con! Hoặc quán niệm như sau: OM là chủng tự hợp nhất trí tuệ của năm thân; MANI có nghĩa là viên ngọc quý; và PADME nghĩa là có hoặc cầm hoa sen. Người nắm giữ Ngọc quý và Hoa sen là tên của Đức Quán Thế Âm Cao quý. HUNG là minh chú của các hoạt động bảo vệ chúng sinh khỏi đau khổ trong sáu cõi. Hãy trì tụng càng nhiều lục tự minh chú càng tốt trong khi giữ tâm ghi nhớ ý nghĩa bài nguyện:
Hỡi Đấng trì giữ Hoa Sen và Ngọc Bảo, hiện thân của năm thân và năm trí tuệ, xin hãy ban cho chúng sinh trong sáu nẻo nơi nương tựa thoát khỏi đau khổ!
Cuối cùng, Đức Quán Thế Âm ở trên đỉnh đầu con tràn đầy hoan hỉ. Ngài tan vào ánh sáng và tan vào con. Hãy quán tưởng chân thật rằng trí tuệ của Đấng Đại Từ Đại Bi đi vào dòng tâm thức con, không còn nghi ngờ gì nữa! Sau đó là hồi hướng và ước nguyện. Bởi vì chắc chắn rằng con sẽ đạt được những lợi ích được mô tả dưới đây, và hãy thực hành điều này với lòng sùng mộ và hoan hỷ!
Phần thứ sáu: Giải thích các lợi ích.
Thực hành thiền-tụng Quán Thế Âm như được mô tả mang lại lợi lạc trọn vẹn mà không thể đo đếm được. Mật điển gốc Liên Hoa giải thích ngắn gọn trong vài từ về những lợi lạc miên viễn của việc thiền định và quán chiếu thân Bổn Tôn như sau:
Tất cả chư Phật đều được bao gồm trong pháp tu mạn đà la của một thân giác ngộ, ở đây là mạn đà la của Đức Quán thế Âm, Đấng Bảo Hộ của chúng sanh.
Hành trì và nhớ nghĩ đến Ngài sẽ tịnh hóa ngay cả những ác nghiệp gây hậu quả tức thời. Đấng Chiến Thắng, lời nói giác ngộ từ bậc thầy toàn hảo Thích Ca Mâu Ni Phật: Đạo sư lừng lẫy Guru Rinpoche [hay còn gọi là] Đại Đạo sư Liên Hoa Sanh đã giải thích về lợi ích của việc thực hành trì tụng lục tự đại minh, vua của mọi minh chú bí mật cho người dân Tây Tạng và để lại như là một bản di chúc. Kho tàng giáo lý của Ngài được phát lộ bởi bậc khai mật tạng vĩ đại không thể nghĩ bàn – Đức Jatsön Nyingpo, bậc đạo sư hiển lộ là một Trì Minh Vương, nói rằng:
OM MA NI PADME HUNG
Lục tự đại minh này là tinh túy duy nhất từ tâm trí tuệ của tất cả chư Phật, cũng là tinh túy độc nhất của tám mươi bốn nghìn giáo Pháp gốc. Lục tự minh chú là tâm yếu của ngũ bộ Phật và Pháp vương của Mật thừa. Những chỉ dẫn tinh túy thiết yếu tập trung vào mỗi âm tiết trong sáu âm tiết. Câu minh chú là nguồn gốc của mọi phước đức và phẩm chất, là gốc rễ của sự thành tựu mọi lợi ích và hạnh phúc. Đó là con đường vĩ đại dẫn đến những cõi phúc lạc và giải thoát. Nhờ được nghe dù chỉ một lần câu minh chú sáu âm, tinh túy của tất cả giáo Pháp, hành giả đạt được cấp độ bất thối chuyển (mức độ chứng ngộ cực kì an định mà từ đó không thể thoái lui) và trở thành người dẫn dắt chúng sinh đến sự giải thoát. Bất kỳ loài vật nào, ngay cả một con kiến, nghe thấy lục tự đại minh thì khi chết sẽ tái sinh vào Cõi Cực Lạc Dewachen sau khi qua đời. Chỉ cần nhớ lại minh chú sáu âm cũng giống như mặt trời chiếu sáng trên tuyết; tất cả những ác nghiệp và những che chướng sinh ra từ sự tích lũy những hành động bất thiện gây ra từ thời vô thủy trong luân hồi đều được tịnh hóa và được tái sinh vào Cõi Cực Lạc Dewachen. Hơn thế nữa, chạm vào minh chú sáu âm giống như nhận được sự gia trì từ vô số chư Phật và Bồ Tát. Thiền định về minh chú dù chỉ một lần cũng giống như văn, tư, và tu: mọi sự vật hiện tượng đều khởi lên như Pháp thân. Một kho tàng rộng mở các hoạt động giác ngộ mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Cũng như thế, Mật điển gốc Liên Hoa cũng có nói:
Này các con của dòng dõi cao quý, có thể tính toán trọng lượng của Núi Meru, vua của các ngọn núi, bằng cân đo, nhưng không thể đo lường công đức có được từ một lần trì tụng lục tự minh chú. Có mài nhẵn một tảng đá kim cương bằng cách dùng một tấm vải muslin mềm của Benares chà xát lên trên nó mỗi trăm năm một lần, nhưng không thể tính đếm được công đức một lần trì tụng minh chú sáu âm. Có thể làm cạn một đại dương bằng cách múc từng giọt nước, nhưng không thể làm cạn kiệt công đức do một lần trì tụng minh chú sáu âm. Có thể đếm từng hạt tuyết trong vùng đất tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và từng chiếc lá trong từng bụi cây trong rừng, nhưng không thể nào đo đếm được công đức một lần trì tụng câu minh chú sáu âm. Tương tự như thế, có thể dọn sạch nhà kho chứa đầy mè dài hàng trăm dặm bằng cách mỗi ngày lấy ra từng hạt một, nhưng không thể nào đo lường được công đức một lần trì tụng câu minh chú sáu âm. Có thể đếm từng giọt mưa rơi trong mười hai tháng, nhưng không thể đo lường được lượng công đức có được từ một lần trì tụng minh chú sáu âm. Như thế đó, hỡi con của dòng dõi cao quý! Không cần phải bàn luận ngày đêm! Tuy có thể tính đếm được công đức từ sự thực hành của một hành giả như tôi, người đã tôn thờ và phục vụ mười triệu Như Lai, nhưng không thể đo lường được số lượng công đức từ một lần trì tụng minh chú sáu âm. Thông qua thực hành trì tụng, các cánh cửa tái sinh trong sáu cõi được đóng lại, các con đường và các địa (các con đường và các địa (nghĩa đen là nền tảng) là những cấp độ tâm linh riêng biệt mà các vị bồ tát phải đi qua khi tiến tới sự giác ngộ hoàn toàn) của sáu ba la mật được vượt qua, ô trượt của tập khí nghiệp và phiền não được tịnh hóa, và các cõi tịnh độ của tam thân được thành tựu.
Này con của dòng dõi cao quý: hãy nghe cho rõ! Nhờ sự gia trì của tất cả các Đấng Chiến Thắng, tâm yếu tinh túy sâu xa này là nguồn gốc của mọi hạnh phúc và lợi lạc. Nó là gốc rễ của mọi thành tựu tâm linh, là chiếc thang dẫn đến các cõi cao hơn, là cánh cổng chặn đường vào các cõi bất hạnh, là con tàu giải thoát khỏi luân hồi, là ngọn đèn xua tan bóng tối, là vị anh hùng chiến thắng năm độc, là ngọn lửa đốt cháy những tiêu cực và bức màn [vô minh], là chiếc búa tạ đánh tan đau khổ, là phương thuốc xoa dịu những kẻ ngông cuồng. Đó là giáo pháp định mệnh của Xứ Tuyết. Là cam lồ tâm yếu tinh túy của tất cả kinh, mật điển và luận thuyết cũng như của văn, tư, và tu. Là vị vua cao quý, tự đã đủ đầy.
Hãy trì tụng minh chú sáu âm này! Những tham chiếu nhiều vô kể trong kinh điển và kho tàng giáo lý không thể diễn tả hết được. Nếu lời giác ngộ là thần chú sáu âm này được trì tụng chỉ một lần với niềm tin chân thật, thì những lợi ích được mô tả ở đây chắc chắn sẽ xuất hiện. Bởi không để thân, khẩu và ý rơi vào trạng thái bình phàm, chỉ một chút nỗ lực thôi sẽ dẫn đến sự tích lũy công đức to lớn và có ý nghĩa sâu sắc. Tôi mong các bạn hãy làm bất cứ điều gì có thể để mang lại ý nghĩa đích thực trong cuộc đời làm người này và cam kết thực hành túc số từ một trăm đến mười nghìn câu minh chú mỗi ngày! Nguyện vô lượng đại bi của Đức Quán Thế Âm cao thượng kéo tất cả chúng sinh ra khỏi biển khổ luân hồi. Nguyện lòng từ của Ngài đưa chúng sinh đến nơi trú ẩn trên núi Potala, vùng đất hoàn toàn tự do của niềm vui giải thoát. Hành giả thực hành Pháp của dòng dõi cao quý, Kalzang Drölkar, cùng với mẹ của bà, Tseten Drölkar-la, đã khẩn cầu tôi viết ra những lời giảng giải như thế này. Sau một thời gian rất lâu và với nhiều lời thỉnh cầu tha thiết được lặp đi lặp lại, những lời này được tôi biên soạn trong thời gian rảnh rỗi để một người cư sĩ bình thường như tôi cũng có thể dễ dàng hiểu được. Bản văn được viết từ bàn tay của một ông già ốm yếu, người ăn xin cải trang thành một học giả có tên là Lodro Ziji, bí danh Khakhyab Dorje, người giả vờ là một vị bồ tát trong thời đại suy đồi này. Nguyện mọi sự tốt đẹp và thịnh vượng càng tăng trưởng! Dịch từ bản tiếng Anh của Pamela Gayle White.
Một Phật tử thuần thành xin cúng dường bản dịch!