LÀ PHẬT TỬ

Là Phật tử, cho dù tu hay không tu, nếu bạn luôn sống với tâm lợi mình lợi người, dũng mãnh không thối chuyển là được.

Là Phật tử, xuất gia hay không xuất gia đều được.

Là Phật tử, đọc tụng hay không đọc tụng rất nhiều kinh điển đều được.

Là Phật tử, đi vào hang núi nhập thất tĩnh tu hay không đều được.

Nếu bạn muốn làm như vậy thì cũng không phải là sai, tôi cũng khuyến khích mọi người làm những điều này.

Nhưng, nếu bạn muốn gieo duyên với Phật pháp, muốn trở thành một Phật tử, thì làm hay không làm những việc này cũng không phải là điều quan trọng nhất.

Cái căn bản nhất của việc tu hành là phải có lòng tin, có tâm hoan hỷ đối với Phật Pháp Tăng Tam Bảo.

Nếu bạn muốn tu hành siêng năng hơn nữa, thì làm những việc này là rất tốt, nó khiến cho việc thực tu của bạn tiến bộ rất nhanh.

Nhưng tôi không hy vọng mọi người trở thành những Phật tử chuyên áp đặt người khác. Quý vị không cần phải trở thành những kẻ ăn chay khủng bố, cho rằng là Phật tử thì nhất định phải ăn chay.

Nếu làm như vậy bạn sẽ bị những người ở Thái Lan, Srilanka khiển trách.

Tôi không hy vọng mọi người sẽ cầm gậy của đức Khổng Tử, đi dọa đánh những người khác, buộc họ phải làm những điều này.

Đặc biệt là những bậc làm cha mẹ, không nên ép buộc con mình nhất định phải trở thành Phật tử.

Phương pháp tốt nhất là: hiền từ, bình tĩnh, luôn có mặt trong giây phút hiện tại.

Cứ như thế, từ từ, con bạn sẽ cảm thấy hiếu kỳ, tò mò đối với bạn, và dần dần chúng sẽ bị bạn thu hút, do đó mà chúng muốn gần gũi với bạn.

Đây là điều mà tôi muốn nói với các bạn nhất.

Trích pháp thoại của Dzongsar Rinpoche tại Hương Cảng năm 2016

THÀNH KIẾN

Chúng ta sống một cách cứng nhắc, hạn hẹp trong một cái nhà tù do chúng ta tự thiết lập nên, trong đó gồm những nhìn nhận của chúng ta về thực tính của các sự vật hiện tượng như là những thành kiến. Các thành kiến này chính là vấn đề căn bản còn tồn tại của chúng ta. Nếu chúng ta cho rằng một người nào đó là rất xấu, thì cái thấy này sẽ che mắt chúng ta, và cho dù người ấy thực sự có làm một vài điều tốt, chúng ta cũng sẽ nói anh ta đang làm chuyện xấu; Ngược lại, nếu chúng ta yêu thích một người nào đó, thì tất cả những gì anh ta làm đều là tốt đẹp cả.

GIA TRÌ

Về cơ bản, cho dù là bạn đi đâu, nếu có bất kỳ thứ gì khi mà bạn tiếp xúc với nó mà nó làm phát khởi hay hướng bạn tới gần với SỰ THẬT của cuộc đời (chân tướng), cho dù đó là một trận cãi nhau hay một vụ tai nạn giao thông, nhưng chỉ cần nó khiến bạn cảnh giác về vô thường hay nghĩ đến vô thường, thì đó chính là sự gia trì. Trong Phật giáo, gia trì và phước đức là rất giống nhau.

PHÁT TÂM

Sự phát tâm là vô cùng quan trọng. Không chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình tu đạo, mà ở giai đoạn trung gian, sự phát tâm cũng rất quan trọng. Khi bạn đặt chân vào cuộc hành trình tâm linh không có điểm dừng này, sự phát tâm đúng đắn sẽ là cột trụ vĩnh viễn của bạn. Bởi vì nếu bạn có thái độ đúng đắn, bạn sẽ biết cách kỳ vọng đúng đắn. Rồi sau đó, bạn sẽ biết cách chuyên tâm vào những nỗ lực của mình, biết cách thực hành, và thực hành với một thái độ thích hợp.

XUẤT LY

Nếu bạn muốn biết mình có tâm xuất ly hay không, có thể dùng cách này để kiểm tra: một chuyện gì trong quá khứ rất quan trọng đối với bạn, nhưng trong hiện tại có phải bạn thấy nó chẳng còn quan trọng gì nữa? Hay một chuyện có thể dễ dàng khiến bạn nổi giận trong quá khứ, nhưng hiện tại có phải bạn hầu như không quan tâm? Nếu đúng là như vậy, thì là bạn đã xuất ly khỏi những chuyện ấy rồi. Có rất nhiều chuyện bạn cần phải xuất ly, không phải chỉ là không hút thuốc không uống rượu hay không chơi bài bạc, những chuyện này chỉ là bước khởi đầu mà thôi.

TÂM TỪ BI

Tâm từ bi là một loại bản tính giác ngộ (giác tính) đặc biệt, nếu bạn có thể phát triển giác tính này nơi tâm mình, bạn sẽ biết tôn trọng tất cả các loài chúng sinh mà không phải chỉ biết tôn trọng riêng loài người. Bạn sẽ có thể chịu đựng được những chuyện như bị muỗi cắn chẳng hạn. Thực ra thì, những con muỗi, khi cắn bạn, chẳng phải chúng nghĩ rằng: “Wa, cái con người này thật là một món ăn ngon quá đi!” Việc cắn bạn chẳng qua chỉ là nỗ lực đi tìm niềm vui, đi tìm hạnh phúc của chúng mà thôi; Cũng giống như cách mà bạn suy nghĩ, chúng chỉ hy vọng có thể có được lượng thức ăn đầy đủ và thích hợp. Biết được những điều này rồi thì bạn trước giờ vốn luôn coi nhẹ không biết bao nhiêu các loài chúng sinh khác – những loài chúng sinh vốn cũng có động cơ hoàn toàn giống như bạn, sẽ có thể phát khởi cảm giác thân cận, gần gũi với các loài chúng sinh khác. Loại bản tính giác ngộ này có thể khiến bạn hiểu được vấn đề của chúng, đồng thời bạn cũng sẽ sinh khởi lòng tôn kính đối với cuộc đấu tranh sinh tồn của chúng. Bản tính giác ngộ này chính là cái được gọi là lòng từ bi của người đệ tử Phật.

Trích trong “Cái nhìn và con đường tu học của Phật giáo”

TÂM XUẤT LY

Hỏi: Có một số người trẻ, có sức khỏe, có gia đình ổn định và hạnh phúc. Đối với họ, luân hồi có vẻ như chỉ toàn là hạnh phúc, cho nên họ khó có cơ hội để nghĩ đến tâm xuất ly. Rinpoche có thể khai thị cho những người này không?

Đáp: Nói gì đến những người không thể nghĩ đến việc xuất ly ấy. Thực sự ra thì tôi là người dạy về tâm xuất ly, nhưng cho dù là chính tôi đi chăng nữa, tôi cũng quên rằng tôi đang già đi trong từng giây phút, và rằng trong từng giây phút khoảng cách giữa tôi và cái chết càng gần. Sức khỏe của tôi giống như hạt sương trên đầu lá cỏ, được quyết định bởi vô vàn điều kiện, mà trong đó rất nhiều điều kiện không hề nằm trong sự kiểm soát của tôi.

Rất nhiều người rất khó có cơ hội để biết rằng luân hồi là khổ, bởi vì hình chiếu về đời sống của chúng ta luôn luôn được thực hiện thông qua lăng kính của hy vọng. Ví dụ như, cho dù chúng ta đang thực sự phải thọ nhận khổ đau, chúng ta vẫn tin rằng sự việc rồi sẽ được cải thiện. Vậy mà có bao nhiêu lần, khi chúng ta giải quyết xong vấn đề cũ, thì vấn đề mới đã lại xuất hiện? Nhưng chúng ta vẫn luôn luôn có một ảo tưởng mãnh liệt, cho rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ có thể được sống an ổn ở một nơi không có bất kỳ vấn đề nào cả.

Cho nên đối với mỗi người, có được tâm xuất ly là điều rất khó. Nhưng, nếu chúng ta có tâm xuất ly, thì trên thực tế nó sẽ khiến cho đời sống của chúng ta phong phú hơn, giúp chúng ta thêm coi trọng và yêu mến tất cả những gì mình có, như gia đình, bạn bè, của cải, thậm chí cho đến một tách trà nho nhỏ. Là bởi vì, khi một người có hiểu biết về vô thường thưởng thức trà, người ấy sẽ hành xử như thể đó là tách trà cuối cùng của đời mình, do vậy mà sự trân quý sẽ gia tăng gấp đôi.

Trích “Tám vạn bốn ngàn Pháp môn”

GIẢI THOÁT

Bạn cho rằng chỉ cần biết Phật pháp thôi là đủ, không cần phải thực tập hay tu trì. Điều này cũng giống như cho rằng đi nhà hàng chỉ cần nhìn qua thực đơn thôi là no bụng. Bạn có khuynh hướng xem bệnh tật, tai họa là ma chướng, và xem tất cả những chuyện rất thuận lợi đến với mình là sự gia hộ, gia trì. Nhưng sự thực thì hoàn toàn trái ngược. Bạn có thể khẩn cầu Phật cho bạn “mọi điều thuận lợi” được 100 lần, nhưng khẩn cầu Ngài cho bạn “đạt được chứng ngộ, giải thoát” thì chỉ được 1 lần mà thôi. Và thậm chí, có khả năng 1 lần cũng không được.

ẢO TƯỞNG

Bạn không phải là cái dáng vẻ mà chính bạn đã tưởng tượng ra – bạn không phải là cái tên đó, nhãn hiệu đó, màu sắc đó, hình dáng đó. Những cái đó chỉ là sự ảo tưởng của bạn.

THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI TU HÀNH

Người tu hành phải có thái độ giống như người khùng: là sao? Tức là, đối với bất kỳ pháp nào trong “Tám pháp thế gian” (Được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và khổ đau), không yêu thích cũng không thù ghét. Ví dụ như: không dính mắc vào lời khen, cũng không tự trói buộc mình vào tiếng chê.

 Người tu hành phải có thái độ giống như sư tử: phải dũng mãnh như sư tử, hoàn toàn không màng đến những hoàn cảnh khó khăn hay những tin dữ đến với mình, bởi vì những thứ này chỉ khiến cho bạn bị phân tâm, hoặc chúng sẽ ăn tươi nuốt sống bạn, và điều này sẽ dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Người tu hành phải có thái độ giống như một con nai bị thương: như con nai bị thương đi tìm kiếm một nơi yên tĩnh để chữa lành vết thương, người tu hành cũng đi tìm một nơi xa rời chốn phồn hoa đô hội, để bản thân có thời gian và không gian mà tu trì.

LÀM VIỆC

Bất luận là làm việc gì, nếu chúng ta có đủ ba điều thù thắng này, thì mỗi việc chúng ta làm sẽ đều trở nên có ích: thứ nhất là phát tâm chính xác, thứ hai là khi làm không có tâm kiêu mạn, thứ ba là làm bất kỳ việc gì cũng đều hồi hướng cho chúng sinh.

THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI TU HÀNH

Người tu hành phải có thái độ giống như một ngọn gió: cho dù thổi đến bất kỳ đâu, gió không có tâm phân biệt. Tương tự như vậy, người tu hành không cần cố gắng thu hút thuận cảnh hay né tránh nghịch cảnh.

TRÍ TUỆ

Nếu không có trí tuệ thì 5 chi phần còn lại của Lục độ Ba la mật – tức là 6 phương pháp có thể giúp ta vượt dòng (sông sinh tử) qua bờ bên kia là bờ giải thoát, gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, sẽ không còn mang ý nghĩa là “độ” – tức là vượt qua nữa. Trí tuệ quan trọng như vậy trong Phật pháp, nếu thiếu trí tuệ, thì 5 chi phần còn lại cũng giống như người mù đi vào trong sa mạc, cho dù là thiền định thì cũng là mù thôi, không thấy đường. Tuy rằng trí tuệ là chi phần đơn giản, rõ ràng và trần trụi nhất, nhưng nó cũng là khó nhất. Có trí tuệ đồng nghĩa với việc thấu hiểu về sự thực của cuộc đời (liễu tri chân tướng, thật tướng). Thấu hiểu về sự thực của cuộc đời là công việc quan trọng nhất trong Phật giáo. Thấu hiểu về sự thực của cuộc đời là sinh trong Tịnh độ, thấu hiểu hoàn toàn về sự thực của cuộc đời thì gọi là Niết bàn, là chứng ngộ.

PHẬT TỬ

Tôi thà rằng nghe được một ai đó nói mình là Phật tử vì anh ta muốn làm cho chúng sinh được hạnh phúc, chứ không phải vì anh ta niệm được bao nhiêu kinh chú, giữ được bao nhiêu giới luật.

TẬP KHÍ

Tập khí (thói quen từ nhiều đời) là một chiếc điện thoại di động, nó cần được nạp điện liên tục, vậy thì cái gì đang nạp điện liên tục cho tập khí của chúng ta? Có một loại đồng hồ đeo tay tự động mà bạn chỉ cần luôn luôn vận động thì nó liền có động lực, vậy cái gì khiến cho tập khí của chúng ta luôn luôn có động lực? Chính là sự phân tâm tán loạn. Sự phân tâm tán loạn chính thực là nguồn dự trữ của sức mạnh tội ác. Nó khiến cho tập khí sống vô cùng tốt, hít thở vô cùng khỏe mạnh.

Việc chúng ta cần làm là để bỏ đói tập khí, khiến cho thể lực của tập khí không tốt, khiến nó quên hết mọi việc làm của nó, đói đến mức không còn năng lượng nữa. Chúng ta làm cho tập khí bị đói, làm cho nó bị hỗn loạn như thế nào? Chính là bằng sự thực tập thiền định. Mục đích của chúng ta là làm suy yếu năng lượng của tập khí.

BỒ ĐỀ TÂM

Bồ đề tâm chắc chắn phải phổ biến rộng khắp, phải có mặt ở khắp mọi nơi. Nó không nên bị hạn chế trong những hành vi hay hình tướng bên ngoài đặc biệt nào.

MỌI THỨ ĐỀU LÀ HƯ ẢO

Ta nên thường nhớ đến mặt hư ảo không thật của mọi thứ. Mọi thứ đều là hư ảo, không có thứ gì có bản tính tồn tại chân thực. Cứ liên tục thực hành như vậy, thì vào những khi bạn cầu thỉnh một điều gì mà không lập tức đạt được sự hồi ứng, bạn sẽ không cảm thấy chán nản, uể oải.

NGHIỆP

“Nghiệp” vô cùng quan trọng, bởi vì hiện tại thân chúng ta đang ở trong lưới “nghiệp”; “Nghiệp” là cái bóng vĩnh viễn đi theo chúng ta; Nếu không gặp phải bất kỳ một chướng ngại nào hay một sự đối trị nào, “nghiệp” sẽ luôn luôn ở đó, chờ đợi “nhân duyên” để hình thành quả báo.

BÁM CHẤP VÀO ĐỜI SỐNG NÀY

Nếu vẫn bám chấp vào đời sống này hay kiếp sống này, thì việc tu thiền chỉ là một liệu pháp spa (thư giãn) về tinh thần mà thôi. Chỉ cần hãy còn bám chấp vào kiếp sống này, thì không thể có được sự giải trừ áp lực, sự thư giãn chân chính.

NGUYỆN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM

Người tu trì hạnh nguyện phát Bồ đề tâm, chí ít phải phát khởi cho được tâm khiêm tốn. Bởi vì anh ta thừa nhận anh ta vẫn chưa có Bồ đề tâm, và anh ta hy vọng sẽ tu tập để có được nó. Như thế tâm khiêm tốn ở đây là vô cùng quan trọng.

GIỚI LUẬT CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Người Phật tử sẽ thọ nhận rất nhiều giới luật, ví dụ như “không ăn thịt”, “không sát sinh”, “không trộm cắp”, v.v… Những giới luật này, thoạt nhìn bạn thấy chúng giống như những “quy luật hành động có tính đạo đức”. Nhưng những quy luật hay giới luật này, nguồn gốc chân chính của chúng được xây dựng trên nền tảng của “nghiệp”. Khi một người thọ giới, trên thực tế, việc thọ giới này đồng nghĩa với việc anh ta đã vô cùng thông minh khi gửi tiền vào trong “ngân hàng nghiệp lành” của mình.

CHÙA TO PHẬT LỚN

Điều khiến người ta lo âu là trong cái thế giới chạy theo chủ nghĩa vật chất này, bình diện tinh thần cũng đã bị vật chất hóa từ lâu. Từ xưa cho đến nay, vô số các đại sư Phật giáo đã lấy cảm hứng từ sự phát tâm dũng mãnh trên con đường Đạo và sự nghiệp độ sinh vĩ đại của các Bồ tát lớn, hóa hiện thành rất nhiều hình thức, từ khổ hạnh tăng đến Quốc Vương, nhiều không kể xiết. Nhưng hình ảnh bình dị của đức Phật Kiều Đạt Ma (Phật Thích Ca) đi chân đất ôm bát khất thực trên đường phố, có vẻ như càng ngày càng ít được coi trọng. Giờ đây, rất nhiều Lạt ma Tây Tạng và các tín đồ của họ có vẻ ưa thích việc xây dựng chùa to tháp vàng hơn. Tôi sợ rằng qua hơn 50 năm nữa, Phật tử Trung Quốc sẽ cho rằng chùa to Phật lớn, tăng đoàn đông đảo chính là biểu hiện hoàn thiện nhất của Phật giáo.

BÌNH ĐẲNG

Đức Phật từng nói, “Con người là chủ tể của chính mình.” Còn có gì bình đẳng hơn điều này nữa chăng? Phật đã dùng câu nói này để khẳng định quyền con người (nhân quyền) cơ bản nhất của mỗi người. Giáo nghĩa Đại Thừa cho rằng mỗi người đều có sẵn Phật tính, quan điểm này không phải là còn bình đẳng hơn hay sao?

SỰ TÁI SINH CỦA PHẬT VÀ BỒ TÁT

Ở nơi nào có nhu cầu tất sẽ có sự cung ứng. Chúng ta nên có nguyện vọng và khát vọng rằng sự hiện diện của Phật và Bồ tát nơi cõi đời này sẽ mãi mãi không dừng lại – nếu nói theo ngôn ngữ thời bây giờ thì đó là Phật và Bồ tát sẽ tái sinh thật nhanh chóng, thật là mau. Nhưng sự tái sinh này không nên chỉ được giới hạn ở nơi những em bé Tây Tạng đã từng sống trong một nền văn hóa hay truyền thống riêng, được chỉ định đặc biệt. Chúng ta có thể hy vọng đức Phật sẽ tái sinh trong tất cả mọi hình thức, thậm chí như một làn gió nhỏ bé, đến đánh thức các giá trị về tình thương lớn, lòng đại bi và tính khoan dung nơi mỗi chúng ta. Chúng ta phải lập chí khích lệ, thúc giục để có được thật nhiều những sự biểu hiện của Phật như vậy.

TRUNG QUÁN LUẬN

Nếu bạn vẫn chưa có hiểu biết gì về học phái Trung Quán, thì bạn sẽ là một người theo chủ nghĩa cực đoan, điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể trở thành một phần tử khủng bố. Nếu bạn muốn hồi tỉnh, bạn phải học Trung Quán.

PHẬT TỪ ĐÂU TỚI

Đức Phật từ đâu tới? Có thể bạn sẽ nói rằng ngài tới từ Bồ đề tâm, nhưng trên thực tế, ngài tới từ một vị Bồ tát, từ một con người. Có hai nguyên nhân:

Thứ nhất, tất cả các vị Phật trước đây đều là một vị Bồ tát, quý ngài đã tu tập và hành đạo thông qua 10 địa vị của con đường Bồ tát đạo thì liền thành Phật. Cho nên cái nhân của quả vị Phật là một vị Bồ tát.

Thứ hai, như Bồ tát Kim Cương Thủ hay Bồ tát Văn Thù, quý ngài đã đóng vai trò như những vị giáo thọ sư với rất nhiều lời nhắc nhở đối với những người đang đi trên con đường tìm đạo. Ví dụ như, theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa, khi thái tử Tất Đạt Đa đang thọ hưởng đời sống vô cùng hoàn hảo trong cung cấm, thì Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Kim Cương Thủ đã vì thái tử mà thể hiện sự sinh, già, bệnh và chết.

TÌM CẦU CHÂN LÝ

Học Phật và xuất gia là hai câu chuyện khác nhau. Mục đích tối hậu của việc học Phật là truy tìm chân lý, trong khi xuất gia chỉ là một loại phương pháp truy tìm chân lý. Ngoài xuất gia, thực ra vẫn còn rất nhiều loại phương pháp truy tìm chân lý khác mà trong xã hội hiện đại ngày nay, những phương pháp này có thể còn thích hợp với bạn hơn nhiều. Mỗi người sẽ luôn phải mang trên vai cái gánh nặng về văn hóa của chính mình, và vì có những nền văn hóa khác nhau, cho nên trên bước đường tìm cầu chân lý, người ta sẽ phải áp dụng những phương pháp khác nhau. Nếu chúng ta cho rằng chỉ có thông qua một loại phương thức nhất định nào đó mới có thể tìm được chân lý, thì đây là một quan điểm sai lầm.

AN TRÚ TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

An trú trong giây phút hiện tại là một điều vô cùng quan trọng trong Phật pháp. Dùng tất cả các phương thức khiến cho tâm an trú trong giây phút hiện tại mà không ly tán đi khắp nơi là giáo lý cốt lõi của Phật pháp. Các pháp môn của đạo Phật đều là để đạt đến kết quả này. Đó có thể chỉ là một thời thiền tọa đơn giản, cho đến quán tưởng, nghi lễ và trì chú, thậm chí là các dạng tu trì tinh nghiêm phức tạp như các vũ điệu đặc biệt của Phật giáo Mật tông.

THƯỢNG SƯ VÀ GIỚI LUẬT

Thượng sư căn bản là vị thượng sư đã dẫn dắt và làm cho tâm bạn đạt đến sự khai ngộ, là vị thượng sư có nhân duyên với bạn, chứ không phải các thượng sư đã làm lễ quán đảnh cho bạn, cũng không phải các thượng sư mà bạn đã quy y. Ví dụ ngay đến như có một cô kỹ nữ nào đó, nếu cô ta đã tạt vào bạn một ít nước và khiến cho bạn tỉnh dậy, thậm chí là bạn cũng đã đạt được chút ít khai ngộ nào đó từ việc này, thì cũng có thể xem cô ta chính là thượng sư căn bản của bạn. Và nếu bạn có một thượng sư, tất nhiên bạn phải tuân thủ những lời dạy của thượng sư, không thể vi phạm hay làm trái chống lại. Và đó chính là giới luật.

GIÁO PHÁP LÀ KỶ LUẬT

Thượng sư tốt cũng giống như cha mẹ, nguyện vọng duy nhất của họ là giúp cho bạn xây dựng được những thói quen tốt nhất. Nếu thượng sư có thể ảnh hưởng đến bạn, khiến cho bạn rộng rãi hào phóng hơn, có kỷ luật hơn, có nhiều bình an và nhẫn nại hơn, tinh tấn hơn, không bị phân tâm tán loạn, khuyến khích bạn phát sinh tâm mong muốn học hỏi mãnh liệt về chân lý, về tính Không, về vô biên tế, thì đây chính là bậc thượng sư mà bạn có thể tin tưởng. Bậc đạo sư tốt nhất là người có thể dẫn dắt bạn đến những hoàn cảnh tốt lành, khiến cho tâm bạn không còn bị trói buộc, bị dao động theo các giá trị thế tục trong vòng luân hồi như thanh danh, lợi ích và sự chú ý của người đời. Thượng sư của bạn phải là người tin vào những gì mình đã dạy. Giáo pháp, về căn bản nó chính là kỷ luật. Nếu bạn có đủ may mắn có được một thượng sư đang hành trì giới luật và uy nghi của những con đường hành đạo căn bản như Bồ tát thừa hay Mật thừa, nên biết rằng thầy ấy sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn cũng như tất cả chúng sinh, trên con đường tu đạo để lìa bến mê đến bờ giác.

TRÍ TUỆ

Trí tuệ của Phật vượt lên trên tôn giáo, tập tục, truyền thống, chú ngữ, vượt lên trên tất cả những hình thức tụng niệm, vượt lên trên những quy định ăn thịt hay không ăn thịt, …; Nhưng vì để giáo hóa chúng sinh, cho nên Phật giáo phải hội đủ tất cả các hình thức này.

TÍN NGƯỠNG

Người có tín ngưỡng thì đối xử tốt với người khác (thiện đãi tha nhân), chứ không phải chỉ toàn cảm thấy người khác thế này không được, thế kia cũng không được. Thế giới bên ngoài của bạn là một sự tỏa chiếu từ thế giới nội tâm của bạn, nếu nội tâm của bạn thiện, bạn sẽ nhìn thấy nhiều điều thiện ở thế giới bên ngoài; nếu nội tâm của bạn ác, bạn sẽ nhìn thấy nhiều điều ác ở thế giới bên ngoài. Bạn cảm thấy tôi từ bi, đó là do bạn từ bi.”

Trích: Tuyển tập những lời dạy của Dzongsar Jamyang Khuyentse Rinpoche.

Người dịch: chị Nguyễn Phương Anh