Karmapa pháp đàm (giảng) về cách nhận ra thực tánh của mình.
Trong một sự kiện gần đây, Đức Karmapa Thaye Dorje nhận được câu hỏi sau:
Thưa ngài, điều gì ngăn con nhận ra bản tánh chân thật của con, tức là Phật Tánh?”
Karmapa trả lời:
Có thể do ta thiếu một chút phiêu lưu, điều đó đã ngăn ta nhận ra thực tánh của mình. Ta dễ dàng mà quen theo cuộc sống đời thường, những thói quen diễn ra mỗi ngày. Kết quả là chúng ta không muốn từ bỏ môi trường thân thuộc đó, khỏi cuộc sống mà ta đã quá quen thuộc. Chúng ta thiếu một chút phiêu lưu.
Thầy cho rằng điều này bám rễ trong ta do một nỗi sợ sâu xa: sợ hãi phải đối diện với chính mình, sợ hãi phải nhận ra ta thực sự là ai. Gần giống như khi ta sợ phải nhìn vào chính mình ở trong gương, để nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình.
Những khó khăn, hay đúng hơn là những thử thách, đến từ việc cho rằng những điều thường tình trong cuộc sống tạo nên chúng ta. Những sai lầm, thử thách và gian truân mà ta đã trải qua có đôi khi khiến ta cảm thấy chúng là một phần của ta. Chúng kiềm hãm ta lại, hằn lại những dấu vết, thậm chí có khi là đem lại cảm giác như một thương tổn nặng nề. Nhưng những điều ta đã trải qua đó không phải là bản chất chân thực của ta. Nói một cách nào đó chúng lại chính là những thứ ngăn ta nhận ra thực tánh của mình.
Theo năm tháng, những tập khí này khiến ta không còn tin vào bản tánh chân thật của chính mình, khiến ta nghĩ rằng bản chất chân thật của ta không thể khác được – rằng ý nghĩ bản chất của ta không phải như vậy là một điều viễn vông, hão huyền ! Do vậy, ta nghĩ đây là điều chúng ta cần phải vượt qua.
Đó cũng là lý do vì sao chúng ta phải có rất nhiều can đảm, và một chút bướng bính – thậm chí cần cứng đầu một chút để thực sự đối diện với chính mình.
Là một người tu tập, tất cả chúng ta sẽ ở chừng mực nào đó đều sẽ đương đầu với các cảm thọ, gian truân và trở ngại đến với ta trong cuộc đời. Nếu không thực sự đối mặt với chúng, chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra được thực tánh của mình.
Khi ta thực sự đối diện với chính mình, khi ta nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, ta sẽ nhận ra những khiếm khuyết (khổ sở) của đời này không là gì ngoài sự biểu hiện của nghiệp và phiền não. Khi ấy, ta có thể chấp nhận mọi việc theo một cách tích cực hơn. Giống như ta có thể nhận diện và phân định những điều đến với ta trong đời này. Một khi ta đã trả chúng về đúng chỗ, những gì còn lại không gì khác ngoài thực ngã và năng lực đích thực của chính ta. Để làm được điều này cần có lòng dũng cảm. Dẫu cần rất nhiều dũng khí để đối diện với những sợ hãi trong quá khứ- để vượt qua sự ngộ nhận rằng những trải nghiệm tiêu cực là bản chất của mình, nhưng ta phải nỗ lực hòng tìm về bản tánh chân thật.
Chuyển ngữ: Thư viện Karma Kagyu
Nguyên văn tiếng Anh: