gampopa
Như đã được đề cập đến trong chương trước, trong tất cả chúng sinh trong cõi luân hồi đều mang trong mình Phật tánh. Cho dù là vậy, có phải tất cả chúng sinh trong 5 cõi: địa ngục, quỷ đói, súc sinh, atula và cõi trời đều có khả năng để tu thành chánh quả? Câu trả lời là Không. Chỉ có ở “Kiếp người quý báu” mới hội tụ đủ 2 phẩm chất của Thiện và Duyên và tâm phát khởi 3 Lòng tin mới có đủ những điều kiện thuận lợi để tu tập chánh pháp. Tóm lại:

Thiện và Duyên

Lòng tin, sự bền bỉ và tâm sáng tỏ

2 phẩm chất của Thân và 3 phẩm chất của Tâm

Mới làm nên 1 nền tảng tu tập tốt.

8 Thiện:

“8 Thiện” có nghĩa là không bị vướng phải 8 điều kiện bất lợi để tu tập Phật pháp. 8 điều kiện này được miêu tả trong các tài liệu tu học như sau:

Địa ngục, quỷ đói, súc sinh

Atula và cõi Trời

Mang tà kiến và sự thiếu vắng của Đức Phật

Bị Điếc,…

Đây là 8 điều kiện bất lợi của chúng sinh .

Theo cách nào mà những điều kiện này trở nên “bất lợi” ? Ở địa ngục, bản chất của chúng sinh nơi đây là phải trải qua sự đau khổ cùng cực liên miên về cả thể xác lẫn tinh thần, ngạ quỷ phải chịu sự tra tấn về tinh thần, chúng sinh sinh ra là súc sinh bị tâm si mê và sự ngu dốt chiếm hữu. Chúng sinh ở 3 cõi này không có được sự khiêm nhường và quan tâm đến chúng sinh khác. Dòng chảy suy nghĩ và nhận thức của họ không đi theo đúng hướng. Vì vậy, họ không có cơ hội để được thực tập phật pháp.

Những chúng sinh sinh ra ở cõi Trời trải qua trạng thái vô niệm nơi mà tất cả những giá trị và hoạt động về tâm linh ngừng hiện hữu. Vì vậy họ không có cơ hội để thực tập Phật Pháp. Bởi, chúng sinh ở cõi trời sở hữu thọ mạng lâu hơn chúng sinh ở cõi người, điều đó khiến sinh ra ở cõi Trời trở thành “bất lợi”. Tất cả chúng sinh này có những điều kiện bất lợi bởi họ quá phụ thuộc, bị mê hoặc bởi những niềm hạnh phúc nhất thời và không có thời gian để cố gắng tu tập.

Thế nên, những đau khổ, cho dù rất ít, mà con người gặp phải lại ẩn chứa những phẩm chất lớn lao bởi nó giúp chúng ta nhận thức được sự khổ đau của cõi luân hồi. Nó giúp chúng ta tiêu trừ tâm kiêu ngạo và nuôi dưỡng tấm lòng từ bi cho tất cả chúng sinh. Đau khổ khích lệ mỗi con người làm những việc thiện, tránh xa những nghiệp ác  tạo nhân đau khổ. Bộ sách “Thực tập theo Phẩm hạnh của các vị Bồ tất” có viết:

“Hơn thế nữa, sự khổ đau mang trong nó những phẩm chất tốt đẹp

Dù khiến ta bị tổn thương, sự kiêu ngạo bị tiêu trừ

Lòng từ bi được phát khởi cho những chúng sinh còn trong luân hồi

Cái ác bị dập tắt, niềm hạnh phúc chân thật được tìm thấy trong việc thiện lành.

Trên đây là sự giải thích chi tiết về 8 điều kiện bất lợi của chúng sinh trong 6 cõi.”.

Mặc dù mang hình hài và sinh sống ở cõi người, những người sinh nơi biên địa thiếu văn minh gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với những bậc thầy thành tựu. Những chúng sinh mang tà kiến hay những tư tưởng lệch lạc không thể nhận thức được rằng những việc làm thiện là nhân để được tái sinh ở những cõi cao hơn hay sự giải thoát hoàn toàn khỏi cõi luân hồi. Khi chúng sinh sinh vào thời gian thiếu vắng Đức Phật, sẽ không có ai để giảng dạy, chỉ dẫn cho họ những gì nên làm và những gì nên rũ bỏ. Những chúng sinh bị điếc, ngu dốt, …thì không thể hiểu được bài dạy về thiện và ác. Khi chúng sinh được sinh ra không vướng mắc phải 8 điều kiện trên, họ được gọi là hội tụ đủ “8 Thiện”

10 Duyên

10 Duyên của chúng sinh được chia thành 2 nhóm: có 5 phẩm chất mà mỗi chúng sinh phải hội tụ đủ ở bản thân và 5 phẩm chất còn lại đến từ những điều kiện bên ngoài. 5 phẩm chất (cá nhân) là:

Được sinh ra làm người, Được sinh ra ở nơi phù hợp, Có đủ tất cả giác quan, Không tạo ác nghiệp và Có lòng thành tâm đón nhận Pháp.

“Làm người” nghĩa là như thế nào? Nghĩa là chúng sinh được sinh ra mang hình tướng con người, sở hữu tất cả bộ phận của 1 cơ thể bình thường.

“Nơi phù hợp” là nơi mà chúng sinh đó có cơ hội được gặp các bậc thầy, những vị tu sĩ đã giác ngộ. “Có đủ các giác quan” nghĩa là không mang các khiếm khuyết về giác quan như: câm, điếc và sự ngu dốt, mê muội và có đủ điều kiện để đến với Chánh Pháp. “Có lòng thành tâm cho Giáo Pháp – lòng sùng mộ giáo pháp” nghĩa là có được niềm tin rằng giới luật của Đức Phật dạy chính là nền tảng cơ bản cho tất cả bài thực tập trong Phật Pháp. “Không tạo ác nghiệp” nghĩa là không phạm vào các tội vô gián trong hiện tại.

5 phẩm chất đến từ những điều kiện bên ngoài đó là: một Đức Phật đã xuất hiện trong cõi này, Ngài đã truyền lại Pháp Bảo quý báu, Pháp Bảo đó đã được gìn gìn giữ và tiếp tục được truyền cho đời sau, Đã có những con người đi theo con đường của Đức Phật và họ đã nhận được sự giúp đỡ và tình yêu thương từ những chúng sinh khác.

Nếu chúng sinh hội tụ đủ 10 yếu tố trên bao gồm 5 từ bản thân và 5 từ những điều kiện bên ngoài, họ được gọi là có đủ 10 Duyên.

Sự hội tủ đủ của 8 Thiện và 10 Duyên chính là “Thân người quý báu”. Tại sao lại được gọi là quý báu ? Nó được so sánh với một viên ngọc quý có thể biến các ước nguyện thành sự thật.

  1. Thân người quý báu bởi nó rất khó để đạt được.
  2. Thân người quý báu bởi nó mang lại vô vàn lợi ích, sự may mắn cho tất thảy chúng sinh.
  1. Rất khó để đạt được “Thân người quý báu”

Trích từ cuốn “Kinh tạng Bồ tát”:

“Rất hiếm để được sinh ra làm người

Rất hiếm để có thể giữ được mạng người

Rất hiếm để tìm và đến được với Phật Pháp vi diệu

Cũng rất hiếm để có được sự hiện diện của Đức Phật.”

”Kinh Liên Hoa” có viết rằng:

“Rất khó để đạt được kiếp người. Thật khó để có thể đạt được “sự tự do” tuyệt diệu đó. Cũng là một điều rất hiếm khi Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian trong cõi này. Rất khó để có được lòng thành tâm cống hiến, tận tuỵ cho Pháp Bảo và cũng thật khó để đạt được tâm nguyện hoàn hảo để đi theo Phật Pháp”.

Trích từ cuốn kinh “Gieo hạt giống thánh”:

Thật khó để được giải thoát khỏi 8 điều kiện bất lợi.

Thật khó để được tái sinh ở kiếp người

Thật khó để tìm được sự hiện diện một vị Phật.

Thật khó để có tất cả các giác quan.

Cũng thật khó khăn để được nghe những lời giảng dạy giáo pháp của  Đức Phật.

Cũng thật khó để có thể tìm được những con người với sự giác ngộ cao quý

Cũng thật khó để tìm được vị thầy tâm linh hoàn hảo,

Cũng thật  khó để thực hành đầy đủ những lời được dạy trong giáo lý hoàn hảo của Thế Tôn

Cũng thật khó để tìm được những chúng sinh trong cõi người mà có sự giác ngộ, lòng thành tâm thực tập Phật Pháp.

Cuốn “Thưc tập theo các Phẩm hạnh của các bậc Bồ Tát” cũng viết rằng: “8 Thiện và 10 Duyên là 2 điều kiện rất khó để chúng sinh có thể có được”.

Như vậy, ví dụ nào có thể cho thấy được sự khó khăn để đạt được “Thân người quý báu” ? Chúng sinh ở cõi nào gặp nhiều khó khăn để có được điều kiện này ? Và tại sao đạt được “Thân người quý báu” lại khó khăn và quý giá đến như vậy?

“Thực tập theo các phẩm hạnh của các bậc Bồ Tát” đã nêu ra một ví dụ như sau:

  Cũng chính vì những lí do này, Thế Tôn đã thuyết:

 Tương tự như một con rùa chui đầu vào được

Một miếng gỗ trôi giữa đại dương bao la,

Rất khó khăn để đạt được thân người này.

Điều này cũng được giải thích rõ trong những bài dạy của Đức Thế Tôn:

Hãy tưởng tượng rằng toàn bộ Trái Đất này được bao phủ bởi đại dương bao la và có một mảnh gỗ nhỏ mà ai đó đã ném xuống, nổi trên mặt biển. Miếng gỗ có 1 cái lỗ nhỏ ở chính giữa và trôi nổi ngẫu nhiên trên mặt biển theo 4 hướng. Ở dưới đáy biển có 1 con rùa già bị mù có tuổi thọ lên đến hàng ngàn năm. Cứ vài trăm năm con rùa lại ngoi lên mặt biển 1 lần. Rất khó để con rùa đó có thể có thể ngoi đầu lên lọt vào cái lỗ trên mảnh gỗ, nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra. Cơ hội để chúng sinh có thể tái sinh thành người còn khó hơn rất nhiều.

Như vậy, những chúng sinh nào gặp chướng ngại để đạt được kiếp người quý báu? Đó chính là những chúng sinh ở 3 cõi dưới của các cõi luân hồi.

Vì sao “Thân người quý báu” lại rất khó để có thể tìm thấy? thân chúng ta với Thiện và Duyên này được hình thành nhờ những nghiệp lành được vun đắp trong tiền kiếp nhưng những chúng sinh ở trong 3 cõi thấp không biết cách để tích luỹ được công đức hay nghiệp thiện. Thay vào đó, họ liên tục gây ra những nghiệp xấu. Cho nên chỉ khi những chúng sinh này tạo ra ít nghiệp xấu trong kiếp hiện tại và nghiệp báo của họ sẽ được trả ở những kiếp sau, mới có cơ hội để được tái sinh làm người.

2. Mang lại vô vàn lợi ích cho chúng sinh:

Cuốn “Thực tập theo phẩm hạnh của các bậc Bồ tát” có viết: “Đồng thời, cũng chính họ đã thành tựu được những gì có ý nghĩa với nhân loại…”

Trong ngôn ngữ Sankrit, “người” có nghĩa là purusha dịch ra có nghĩa là ‘khả năng’, ‘căn cơ’. Vì vậy, “Kiếp người quý báu” với đầy đủ yếu tố của Thiện và Duyên sẽ mang lại khả năng hay căn cơ để chúng sinh được tái sinh ở các cõi cao hơn hoặc đạt được trạng thái giác ngộ vĩnh viễn. Hơn thế nữa, có 3 loại người được phân biệt dựa trên căn cơ của họ: hạ căn, trung căn, thượng căn. Theo cuốn “Bồ đề đạo đăng” của tôn giả Atisha:

Chúng ta nên hiểu rằng có ba loại người khác nhau:

Người hạ căn, người trung căn và người thượng căn

1.Người có căn cơ nhỏ (hạ căn): Những người này có cơ hội để tái sinh ở cõi người và các cõi cao mà không bị rơi vào 3 cõi dưới.

Những chúng sinh có sự cố gắng, dù theo cách nào

Để đạt được những hạnh phúc của luân hồi

Cho riêng bản thân mình –

Được gọi là những chúng sinh có hạ căn

2. Người có căn cơ trung bình (trung căn): Những chúng sinh có khả năng đạt được trạng thái của an lạc, hạnh phúc bằng cách rũ bỏ sự tham luyến với luân hồi. Họ thoát khỏi mọi chướng ngại đối với sự giải thoát để vượt thoát luân hồi.

Những chúng sinh quay lưng lại với thú vui vọng tưởng của luân hồi

Và tránh làm những nghiệp ác

Nhưng chỉ tập trung vào sự an lạc của bản thân

Gọi là những chúng sinh có trung căn.

3. Người có căn cơ cao cấp (thượng căn): Những chúng sinh có khả năng đạt được Phật quả vì lợi lạc của tất cả chúng sinh khác. Như đã được truyền dạy:

 Vì thấy được khổ đau trong chính dòng tâm thức của bản thân

Chúng sinh nào nguyện sẽ trừ diệt tất cả nỗi khổ đau của tất thảy chúng sinh khác

Được gọi là người có thượng căn

Hơn nữa, bậc học giả Ấn Độ Acharya Chandragomin đã từng nói:

Thật là sự lợi lạc khó đo lường

Khi đạt được thân người quý báu này

Giúp chúng sinh được giải thoát khỏi vòng sinh tử và ươm mầm cho sự giác ngộ tối thượng

Thân người này mang những phẩm chất vượt xa viên ngọc Như Ý

Vậy làm sao chúng ta không gặt hái những thành quả này ?

Con đường có thể dẫn loài người đến sức mạnh tâm linh to lớn

Sẽ không thể đạt được bởi thần linh hay các Naga hùng mạnh,

Cũng giống như các Á thần, Ca-câu-la, Vidyadhara, nhân mã, hay Uraka.

Chúng sinh muốn được hạnh phúc và tránh xa đau khổ, vì thế hãy nỗ lực để khiến họ hoàn toàn hạnh phúc, nghĩa là thành tựu Phật quả. Bởi chỉ có một vị Phật mới có thể làm được điều này, tôi cần có những phẩm tính của một vị Phật, vì thế tôi sẽ thành Phật. Hãy bắt đầu bằng cách cố gắng giảm bớt phiền não mạnh mẽ nhất của bạn, dù nó là sự nguyền rủa, sỉ nhục người khác, tham vọng quá mức v.v.. Khi thức dậy, hãy cương quyết tránh sự phiền não đó trong ngày. Vào lúc cuối ngày, hãy xem xét lại tiến bộ của bạn. Cuối cùng, bạn có thể đánh đổi những cảm xúc tiêu cực này. Đây mới là ý nghĩa thực sự của một hành giả tâm linh trung thực.

Tóm lại, thân này được hội tủ đủ Thiện và Duyên này mang lại cho chúng ta khả năng và căn cơ để tránh xa những nghiệp ác và làm những việc thiện. Nó có khả năng vượt biển luân hồi. Nó có khả năng phát triển con đường tu tập của mỗi chúng sinh, giúp họ đạt thành chánh quả. Vì vậy có được “Kiếp người quý báu” còn tối thượng, cao quý hơn các thần thánh, naga,…gấp nhiều lần, quý hơn Như Ý báu gấp vạn vạn lần. “Thân người quý báu” rất khó để đạt được và mang lại vô vàn lợi ích cho chúng sinh.

Măc dù kiếp người này rất khó để đạt được và mang lại rất nhiều lợi lạc, nó cũng rất dễ đánh mất. Không một ai có thể kéo dài cuộc sống này. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết và những khoảnh khắc đó trôi qua rất nhanh. “Thực hành theo phẩm hạnh của các bậc Bồ tát” có viết:

Thật sai lầm khi tận hưởng khoái lạc

Mà nghĩ rằng ngày hôm nay không phải là ngày cuối của cuộc đời ta

Đến lúc nào đó, khoảnh khắc đó sẽ đến

Không thể nào chống cự, ta tan biến vào hư vô

Chính vì thế, hãy luôn quán niệm về sự khó khăn để đạt được “thân người quý báu” này, về lợi lạc bao la mà nó đem lại cũng như sự vô thường, mỏng manh của thân xác này. Hãy quán tưởng “thân người quý báu” như 1 chiếc thuyền buồm, vì vậy hãy cố gắng dùng nó để vượt biển luân hồi phiền não. Cũng chính vì thế, “Thực hành theo phẩm hạnh của các bậc Bồ tát” có viết:

Hãy nương tựa vào con thuyền thân người

Giải phóng bản thân khỏi dòng sông phiền não

Và vì rất khó để tìm thấy lại con thuyền này một khi đánh mất nó

Đừng đánh mất thời gian bằng giấc ngủ hỡi kẻ ngu ngốc kia

Hãy nghĩ đến nó như 1 con ngựa để cưỡi qua thảo nguyên đầy khổ đau của luân hồi.

  Cưỡi con ngựa thần của thân người

Phi qua những vực sâu đau khổ của luân hồi

Hay, quán tưởng thân người như một người hầu tận tụy làm những việc thiện.

Sự cốt yếu khi đi theo con đường của chánh đạo là lòng tin. Không có lòng tin, sự từ bi, công đức không thể phát triển trong ta. Do vậy, “Thập Pháp Kinh” có dạy:

Những phẩm hạnh thiện lành không thể được nuôi dưỡng

Trong 1 con người không có lòng tin

Như những hạt giống ươm mầm

Không thể lớn lên khi đã bén lửa.

Vì vậy, chúng sinh cần phải nuôi dưỡng lòng tin tuệ giác. Trong trường hợp này, “lòng tin” có nghĩa là gì ? Có 3 loại: lòng tin tưởng vào nhân quả, lòng tin bền vững và lòng tin rõ ràng.

1. Lòng tin nhân quả:

Lòng tin tưởng thứ nhất dựa trên cơ sở của luật nhân quả. Chúng sinh hiểu rõ được rằng bản chất của bất kì sự đau khổ nào ở hiện tại và tương lai đều là quả của từ quá khứ hoặc từ các kiếp trước. Vì vậy, niềm hạnh phúc trong cõi ta bà này chính là quả của những nghiệp lành và sự khổ đau chính là quả của những nghiệp xấu của chúng sinh trong quá khứ. Từ đó, chúng sinh có được niềm tin rằng bằng việc thực hiện cá nghiệp xấu của thân, khẩu, ý chúng sinh sẽ nhận được quả báo là 5 chướng ngại, được gọi là “Bản chất của sự khổ đau”.

2. Lòng tin vững bền:

Chúng sinh hiểu được bản chất vi diệu và tối thượng của việc đạt thành chánh quả chánh giác. Từ đó, chúng sinh có được động lực và sự nhất tâm để thực tập các bài giảng của Phật Pháp với mong ước đạt được sự giác ngộ để cứu giúp tất cả chúng sinh khác khỏi biển khổ luân hồi.

3. Lòng tin rõ ràng:

Lòng tin rõ ràng được tạo nên trong tâm của mỗi chúng sinh dựa trên thấu hiểu về tầm quan trọng của Tam Bảo. Chúng sinh có được sự tận tuỵ và kính trọng đến các chư Phật như bậc thầy soi sáng con đường cho chúng ta, đến Chánh Pháp như là phương tiện giúp chúng ta đi trên con đường đó và các Tăng đoàn như những người đã hướng dẫn ta cách đi trên con đường đó.

Hơn thế nữa, cuốn sách “Vòng hoa châu báu” viết rằng:

Những chúng sinh không từ bỏ Chánh Pháp

Dưới ảnh hưởng của tâm ham muốn, sân hận, sợ hãi và tà kiến

Được gọi là những con người có được lòng tin vào Chánh Pháp

Những chúng sinh này là con thuyền tối thắng để tu thành giác ngộ.

Không từ bỏ Chánh Pháp vì ‘tâm ham muốn’ nghĩa là không từ bỏ Chánh Pháp vì những tham luyến với những niềm khoái lạc tạm bợ ở luân hồi. Ví dụ, cho dù một người nào đó nói rằng:” Nếu anh từ bỏ Chánh Pháp, tôi sẽ cho anh hưởng sự giàu sang, phú quý, có được những người đàn ông hay phụ nữ đẹp, thân phận cao quý”, chúng ta vẫn không từ bỏ.

Không từ bỏ Chánh Pháo vì ‘tâm sân hận’ nghĩa là không từ bỏ Chánh Pháp vì sự ghét bỏ. Ví dụ như ai đó đã từng làm hại ta trong quá khứ và vẫn tiếp tục làm hại ta ở hiện tại, chúng ta vẫn không từ bỏ Chánh Pháp.

Không từ bỏ Chánh Pháp vì ‘tâm sợ hãi’. Ví dụ, có ai đó đến bên cạnh ta và nói rằng:”Nếu anh không từ bỏ Chánh Pháp, tôi sẽ cho 300 binh sĩ đến cắt ra 5 lạng thịt từ người anh mỗi ngày”, cho dù như vậy chúng ta vẫn không từ bỏ Chánh Pháp.

Cuối cùng, không từ bỏ Chánh Pháp vì tâm tà kiến nghĩa là không bỏ Chánh Pháp vì sự si mê của các chúng sinh khác. Ví dụ, một người nào đó có thể nói với ta rằng không có cái gì gọi là luật nhân quả hay 3 Ngôi của Tam Bảo không tồn tại và hỏi rằng:” Tại sao anh phải thực tập Chánh Pháp? Hãy từ bỏ đi” Chúng ta vẫn không từ bỏ và luôn luôn tin tưởng vào Chánh Pháp.

Chúng sinh có được 4 điều kiện trên chính là những con người tin tưởng hoàn toàn vào Chánh Pháp và có được điều kiện tuyệt vời để tu thành Chánh quả. Hơn thế nữa, những lòng tin này còn mang lại vô số lợi lạc cho chúng sinh: giúp họ nuôi dưỡng những phẩm chất cao quý của những bậc giác ngộ, giúp họ từ bỏ những điều kiện bất lợi của bản thân, có được sự nhận thức rất đúng đắn, nhạy bén và rõ ràng và những phẩm hạnh đạo đức không thể chối bỏ. Chúng sinh đó sẽ diệt trừ được tất cả những cảm xúc vướng bận với luân hồi, vượt qua được chướng ngại và tìm được ra con đường giải thoát. Chúng sinh đó sẽ tạo được những công đức to lớn, được nhìn thấy đức Phật và đón nhận những lời gia trì của Ngài.

Tất cả các Chư Phật sẽ hiện lên trước tất cả những chúng sinh nào có được niềm tin và truyền lại những bài giảng giáo pháp cho các chúng sinh khác. Đức Phật nhìn họ như những con thuyền tiến nhanh đến sự giải thoát của biển luân hồi, hiện ra trước mắt họ và cho họ thấy được con đường của một Bồ Tác.

Chính vì tất cả những điều trên mà “Thân người quý báu” với những yếu tố của Thiện và Duyên cùng với 3 lòng tin tưởng vào Chánh Pháp và Đức Phật được gọi là nền tảng của việc tu tập, hướng đến sự giác ngộ và đạt thành Phật quả.

Chuyển ngữ Tiếng Việt: Karma Tenzin Tshering

Hiệu đính: Karma Mingyur (Tom)

Nguồn tài liệu: Chương 2 sách The Jewel Ornament of Liberation, Gampopa

Dịch bởi khenpo Konchog Gyaltsen Rinpoche

Hiệu đính Ani K. Trinlay Chodron.

Bản dịch Tiếng Việt chỉ dùng với mục đích nghiên cứu