Nhân dịp lễ Vesak năm 2024, Đức Gyalwa Karmapa 17 Thaye Dorje đã gửi thông điệp cho tất cả các Phật tử như sau:
 
Các Đạo hữu thân mến,
 
Thứ năm, ngày 23 tháng 5 là ngày Đại lễ Vesak (cũng được biết đến là ngày Buddha Jayanti hay Buddha Purnima) – ngày lễ Phật giáo kỷ niệm ngày đản sinh, ngày giác ngộ viên mãn và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử của chúng ta.
 
Đối với chúng ta, những hành giả đang thực hành Phật Pháp, bất kể ta đang theo truyền thống, con đường hay phương tiện tu tập nào, đây cũng là một ngày vô cùng đặc biệt và độc nhất.
Theo dòng lịch sử, đây là ngày chào đời của thái tử Tất Đạt Đa, người sau này trở thành Đức Phật Cồ Đàm (Gautama) – vị Phật thứ tư. Đồng thời, đây cũng là ngày mà thái tử Tất Đạt Đa đạt toàn giác, và vì thế được biết đến là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và cuối cùng, ngày này cũng đánh dấu mọi hoạt động đã thành tựu viên mãn, sự kiện Đức Phật nhập Niết bàn.
 
Chúng ta tưởng niệm ngày đặc biệt này bằng cách nhớ đến các công hạnh và ân đức của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tất cả chư Phật. Theo lời dạy, nhờ vào sự phát Bồ Đề Tâm hay Tâm Tỉnh Thức rộng lớn của chư Phật mà các vị Phật sẽ tồn tại vĩnh hằng vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Đặc biệt, chư Phật cũng hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới này, bất kể những giới hạn về thời gian hay không gian, vốn chỉ do những khái niệm của ta mang lại. Bởi chư Phật đã đạt được chứng ngộ, nên có thể thực hiện các hạnh nguyện trụ lại tại thế của mình. Chính vì thế, chúng ta có thể thật sự tin tưởng rằng chư Phật vẫn còn hiện diện ngay trên thế giới này, ở ngay tại hành tinh này.
 
Và vì vậy, chúng ta tưởng nhớ lại những công hạnh của các vị Phật, nhớ lại sự phát tâm Bồ Đề của Đức Phật, tập trung vào những ích lợi của việc phát tâm Bồ Đề. Bằng cách đó, bản thân ta cũng tích lũy công đức, đây là điều rất quan trọng. Trong truyền thống Phật giáo, chúng ta biết rằng việc tích lũy công đức và tích lũy trí tuệ là chìa khóa để đạt tới giải thoát và giác ngộ hoàn toàn. Do đó, ngay cả khi chúng ta chỉ là người mới bắt đầu trên con đường đạo, nếu chúng ta có thể đơn giản chỉ là hoan hỉ với những hoạt động thiện lành của chư Phật, điều kỳ diệu là ta cũng tích lũy được công đức tương đương như vậy. Và vì thế, chúng ta sử dụng phương tiện thiện xảo này để tích lũy công đức. Thông qua đó, trí tuệ cũng đồng thời tăng trưởng. Vì vậy, ta nên hoan hỉ bằng cả trái tim mình.
 
Vào ngày Vesak thiêng liêng nhất này, chúng ta cũng nhớ lại những lời dạy của Đức Phật – Phật Pháp – và trong ngày này, chúng ta cố gắng áp dụng các lời giáo huấn ấy nhiều nhất mà ta có thể làm được.
Chẳng hạn như, chúng ta có thể chỉ đơn giản là toàn tâm toàn ý vào việc giữ gìn các giới khi chúng ta quy y. Và nếu chúng ta cảm thấy có cảm hứng thực hành Bồ Tát Đạo, chúng ta có thể thọ Bồ Tát Giới và trì giới nhiều nhất trong khả năng của mình.
Chúng ta cũng có thể tụng kinh Hạnh Nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát hoặc trì chú Lục Tự Đại Minh của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Bên cạnh đó, đối với những hành giả đã quen thuộc với việc thọ bát quan trai giới (Sojong), tôi khuyến khích những ai đã nhận giới bát quan trai trước đây và đã được giải thích về cách trì giới này, hãy tận dụng ngày Vesak để thực hành thọ bát quan trai giới.
 
Tôi tin rằng, điều này mang lại lợi ích lớn lao, bởi vì chỉ dành 24 giờ để thực hành thọ bát quan trai giới sẽ giúp cho thân-khẩu-ý của ta điềm tĩnh lại khỏi những sự xáo trộn thường nhật. Hơn nữa, việc thực hành này không đòi hỏi một sự cố gắng hay nỗ lực to lớn nào – nó đơn giản, yên bình và thú vị.
Điều này nhắc tôi nhớ đến một trong những phần quan trọng nhất của việc hành pháp: bất kể chúng ta đang chú tâm vào khía cạnh nào của Phật Pháp, điều cốt yếu nhất là chúng ta phải tận hưởng nó. Tận hưởng không có nghĩa là chúng ta phải ép buộc bản thân mình mỉm cười hay cười thật lớn mọi lúc. Những nụ cười chỉ là một biểu hiện bên ngoài của hạnh phúc, bản thân nó không phải là hạnh phúc thực sự.
Vì vậy, miễn là chúng ta có thể suy nghiệm về điều gì đó có ý nghĩa – chẳng hạn như làm cách nào để tử tế với người khác, làm cách nào để tử tế với chính mình, làm cách nào để có một phút giây, một giờ, một ngày, một tháng tiếp theo đầy ý nghĩa… Thái độ như thế rất đáng để tận hưởng.
 
Và đó chính là điều tôi muốn đề cập khi nói đến ‘sự tận hưởng’: không nhất thiết là chúng ta phải ngăn mình không buồn, kìm mình không khóc và ép mình phải cười – không phải là nghĩa như vậy. Thay vào đó, hãy làm điều thực sự có ý nghĩa, thực sự thú vị bởi vì về bản chất đó là điều sẽ mở cửa trái tim ta.
Khi bạn tận hưởng những gì mình đang làm, mọi thứ trở nên dễ dàng; thậm chí ngay cả khi bạn phải giải cứu thế giới, nó cũng trở nên dễ dàng.
Vì vậy, các đạo hữu thân mến, đây là những điều mà tôi mong muốn gửi tới tất cả các bạn vào ngày lễ Vesak – mong cho các bạn có thể dành chút thời gian để thực hành Phật Pháp nhằm tìm thấy niềm vui và rộng mở trái tim mình.
 
Với những lời nguyện cầu
Thaye Dorje, Đức Pháp Vương Karmapa thứ 17″