1979761_1429205683987056_1226793951_n

Những năm tu tập ở Ấn Độ và Nepal: 1960–1975

Chuyện xảy ra là như vậy, nhờ đức từ bi của Karmapa mà Gendun Rinpoche được mời tới ở trong ngôi nhà của ngài Jyoti, một nhà hảo tâm người Nepal, hiện đang sống ở Kalimpong phía Bắc Bengal.

Rinpoche kể lại: “Thầy sống ở đó khoảng 11 năm, cùng với 3 người khác, bao gồm cả lama Purtse, người sau này đi cùng thầy sang Châu Âu. Thầy đã thực hành các nghi lễ và hành thiền trong suốt thời gian đó. Nói một cách cụ thể, đây không phải là thời gian mật thất nghiêm mật nhưng cũng giống như một khoá tu mật thất, thầy đã không khi nào ra khỏi ngôi nhà. Ngài Jyoti có một ngôi chùa lớn trong khu nhà. Jyoti đã giao cho thầy ngôi chùa và thầy chỉ hành thiền cả ngày mà không phải tham dự vào các công việc khác. Thầy đã không đi đâu cả, ngay cả các buổi lễ thầy cũng không phải hướng dẫn”.

Mỗi năm Gendun Rinpoche đi tới tu viện của Karmapa ở Rumtek. Tại nơi đây, thầy nhận giáo lý khẩu truyền từ Karmapa, bao gồm cả những giáo lý quan trọng của truyền thừa Kagyu như là Đại Thủ Ấn, 6 pháp du già của Naropa. Đây là những Pháp mà Rinpoche đã biết và đã chứng ngộ, nhưng lần này được giải thích thêm và trực tiếp từ Karmapa. Như thế, Karmapa đã trở thành thầy gốc của Rinpoche. Vào giai đoạn này, Karmapa đã trao ngài danh hiệu là Rinpoche, tức là Đức Quý Báu.

Thầy kể tiếp: “Khi Jyoti cần phải đi công việc trong vài tháng, thầy đã rời Kalimpong và đi tới Darjeeling. Thầy gặp một vài bạn tu và dành khoảng 1 tháng ở Sonada với Norla (Kalu Rinpoche). Karmapa liền gọi thầy về từ Sonada và giao giáo huấn rằng thầy nên đi ngay đến nước Bhutan và lưu trú trong ngôi chùa của Karmapa ở Bhutan. Thầy đã trả lời Karmapa rằng thầy không đi được bởi vì thầy đã quyết định sẽ tu hành 3 năm mật thất nữa với Norla.

Karmapa liền nói : “Không thể nào!” và Ngài gửi Tsongpon Konchog và một chiếc ô tô jeep chở thầy đi Bhutan ngay lập tức. Mẹ của hoàng hậu xứ Bhutan đã xây một ngôi chùa trong cung điện và bà đã giao ngôi chùa cho Karmapa. Thầy thực sự muốn tiếp tục tu hành trong mật thất. Cuối cùng thì mọi sự cũng diễn ra một cách trôi chảy kèm theo chút may mắn: Thầy đã có thể hành thiền trong mật thất ở ngay trong cung vua, và một vị khác có trách nhiệm giữ gìn và thực hành các nghi lễ trong chùa”.

Khi đức vua Bhutan qua đời, Karmapa và Dudjom Rinpoche (trưởng dòng của truyền thống Nyingma) đã được mời tới làm nghi lễ trong đám tang. Trong các nghi lễ lúc ấy có một pháp tu đặc biệt gọi là pháp tu Chod, cả hai bậc thầy giáo pháp trên đều yêu cầu thầy thực hành pháp tu này. Trên đường đi tới thủ đô Thimpu của Bhutan, thầy ở lại một thời gian để thực hành pháp tu cúng dường yến tiệc đến Đức Liên Hoa Sinh : Sampa Lhundrup một trăm ngàn lần. Mẹ của hoàng hậu đã yêu cầu pháp thực hành và nghi lễ này.

“Vào thời điểm này, một bậc thầy lớn của trường phái Cổ Mật là Dilgo Khuyentse Rinpoche đang lưu trú tại Pagdru Kyichu. Thầy đã tới ở với Dilgo Rinpoche một tuần theo lời mời của vị ấy. Topga Rinpoche là thư kí của Karmapa, có xây một ngôi nhà ở Bhutan, và yêu cầu thầy làm nghi lễ khánh thành. Một ngày nọ, Dilgo Khuyentse Rinpoche cho thầy hay là thầy nên đi tới Châu Âu, Dilgo Rinpoche hứa giúp thầy để làm được hộ chiếu. Thầy trả lời: “Con sẽ không bao giờ đi Châu Âu”. Rinpoche liền hỏi thầy “Liệu có chắc chắn sẽ không đi không?” Thầy nói: “Tất nhiên rồi, đây là quyết định chắc chắn của con”. Rinpoche chỉ nói: “Thầy không muốn đi Châu Âu, nhưng cuối cùng thì thầy vẫn phải đi thôi”.

Karmapa cử Gendun Rinpoche sang Châu Âu.

Gendun Rinpoche tiếp tục kể: “Năm 1974, Karmapa tới thăm Bhutan thêm một lần nữa. Ngài mời thầy tới ăn sáng và nói rằng Ngài sẽ đi phương Tây trong năm nay và sẽ thăm một vài đất nước. Ngài muốn biết xem người phương Tây có thể đón nhận giáo pháp của Đức Phật hay không. Ngài nói: Ta sẽ tới thăm Châu Mỹ và Châu Âu. Chúng sinh ở nơi đó sống trong sự sung túc nhưng họ thực không biết đến giáo pháp chân chánh, nên họ phải khổ sở vì những phiền não như kiêu ngạo, ganh tỵ, tham đắm và hận thù, những tâm phiền não này làm cho tâm họ bị điên đảo. Chúng ta nên đem giáo pháp tới với họ, chỉ có con đường tâm linh chân chánh mới có thể giải thoát cho họ khỏi sự khổ sở do chính họ tạo ra. Nếu duyên đã tụ đủ để sự truyền thừa của cỗ xe lớn Đại Thừa thuận lợi, thì con sẽ là người gieo trồng hạt giống giáo pháp ở phương Tây. Sẽ không có ích gì đâu nếu con cứ muốn từ chối sứ mệnh này. Ta đã nhìn thấy nhiều điềm báo. Ta biết con là vị lạt ma mà sự tu hành đã đi tới phần cuối cùng. Đã đến lúc để con phụng sự tất cả chúng sinh. Cảm ơn con đã ưng thuận”.

“Thầy đã không nói được câu nào, không thể thưa lại lời nào với Karmapa. Thầy cảm thấy như bị bóp ngạt bởi viễn cảnh của sứ mệnh đó. Karmapa liền nói: Nếu sự phát triển giáo pháp thuận lợi, chắc chắn là con sẽ đi phương Tây. Con không nên có ý từ chối hay tranh luận với ta rằng con muốn ở lại đây. Ta đã nói chuyện với thư ký nội các của Bhutan về việc con cần một hộ chiếu và vị đó đã chuẩn bị những giấy tờ cần thiết. Nếu ta thấy rằng giáo pháp của Đức Phật có thể bám rễ sâu ở phương Tây, ta sẽ cho con biết nước Mỹ hay Pháp sẽ tốt hơn cho con. Con nên thành lập một trung tâm Phật Pháp và một tu viện ở nơi đó. Quyết định là như vậy, và không có ích gì đâu nếu con có ý định từ chối”.

“Thầy chỉ ngồi đó, không nói được câu nào, thầy nghĩ : “Nói gì bây giờ, mình chẳng biết gì cả”. Khi quay lại và gặp Togpa Rinpoche, thầy nói với Togpa rằng Karmapa vừa nói với thầy nhiều thứ, Togpa hỏi về chuyện gì, thầy nói: Karmapa nói rằng con nên đi tới một nơi có tên gọi là Châu Âu”. Togpa Rinpoche liền nói: “Đó không phải là câu nói chơi đâu, thầy phải đi tới phương Tây đó.” Thầy liền trả lời: “Nếu đúng như vậy thì con sẽ nói không đi. Con sẽ sám hối với Karmapa và thỉnh cầu Ngài rằng con không thể làm y lời Ngài”. Thầy chưa bao giờ thuyết giảng, tất cả thời gian của thầy được dùng để thực hành. Thầy nghĩ mình thật là ngu ngốc và mê muội. Thầy nhờ Togpa đưa thầy trở lại gặp Karmapa để thầy có thể từ chối nhiệm vụ đó. Nhưng Togpa phản đối: “Thầy không thể thay đổi được đâu, thầy phải nghe lời Karmapa”.

“Thầy hỏi mượn thầy Togpa chiếc xe ô tô của thầy ấy vì thầy thực sự muốn gặp lại Karmapa ngay lập tức để nói cho rõ mọi chuyện. Nhưng Togpa chỉ nói: “Thầy sẽ không thay đổi được gì đâu. Bản thân con cũng đã trao đổi với Karmapa về việc này, ngay cả thư ký nội các cũng thuyết phục Karmapa thay đổi ý định, nhưng Karmapa cứ nhất định nói rằng chính thầy là người đi đến phương Tây. Nếu thầy tới gặp Karmapa lúc này và cầu xin Ngài đừng cử thầy đi, thầy chỉ khiến Karmapa phiền lòng thôi”.

Hai ngày sau, Karmapa lại cho gọi thầy, thầy thấy rất hoan hỷ vì có cơ hội để nêu ra cái mong ước được ở lại Bhutan. Nhưng Ngài nói: “Con không thể ở lại Bhutan. Ta đã chuẩn bị những thứ cần thiết để con có giấy xuất ngoại và visa”. Thầy nói như thế này: “Nhưng con không phải là học giả, cũng không phải là một lạt ma lớn”. Karmapa trả lời: “Ta là thầy của con, con phải nghe lời ta. Ta biết con rất rõ: con là người phù hợp nhất cho sứ mệnh này”. “ Nhưng con không biết giảng giải về giáo pháp. Con chỉ biết sống một mình và thấy vô cũng khó khăn khi con muốn giải thích ý nghĩa của giáo pháp”. Karmapa nói: “Đã đến lúc để con phụng sự tất cả chúng sinh. Con đã thành tựu sự giải thoát cho bản thân. Đừng nói về khả năng của con nữa. Hãy đi đến phương Tây và thanh tịnh tâm của chúng sinh nơi đó. Con cũng không nên lo lắng về những trở ngại. Jigmela sẽ cùng đi để giúp con.”

“Chẳng bao lâu sau Karmapa lên đường sang phương Tây. Khi Ngài trở về, Ngài cử thị giả thân cận của Ngài sang đón thầy và đưa về Rumtek. Thầy và thầy thị giả rời đi ngay lập tức và lên phòng gặp Karmapa ngay khi vừa tới nơi. Karmapa truyền dạy như thế này: “Ta đã đi khắp nước Mỹ và Châu Âu. Ta chắc chắn rằng giáo pháp có thể lan rộng ở phương Tây. Về việc tu tập, có vẻ như Châu Âu sẽ có nhiều cơ hội để hoằng pháp. Ta đã được họ cúng dường một khu đất ở Pháp. Đó là nơi con sẽ tới”. Thầy trả lời: “Nhưng con sẽ làm gì ở đó? Con chẳng biết làm gì cả. Tại sao lại là con, trong những người ở đây, phải đi tới đó?” Karmapa chỉ trả lời: “Đừng nghĩ như vậy. Khi lần đầu tiên con tới Rumtek, ta đã dặn con ở lại tu viện. Lý do là vì ta muốn con trở thành người hướng dẫn khoá tu 3 năm 3 tháng 3 ngày. Nhưng sau đó có một khenpo trên đường đi tới Bakta, ta đột nhiên gửi con đi cùng, cả chuyện này nữa cũng có nguyên do: duyên nghiệp giữa con và ta là như vầy, cứ nơi nào ta phải mang giáo pháp tới, con sẽ là người đi trước với vai trò là đại diện của ta như là người đi mở đường. Đó là lý do ta gửi con đi cùng với  giáo pháp. Đó cũng là lý do vì sao con nhất định phải đi tới phương Tây. Đây là một sứ mệnh quan trọng và tốt lành, con không thể từ chối. Đơn giản là con phải đi. Ở Châu Âu con phải ban sự gia trì, truyền quán đảnh và giảng giải giáo lý. Kalu Rinpoche cũng làm như vậy. Và con không nên khiêm nhường và tỏ ra là một lạt ma bình thường hay con không là ai cả. Không có chút khác biệt nào giữa con và Kalu Rinpoche. Vì vậy con nên hoàn toàn tự tin về điều đó. Ta sẽ nói cho con biết về nghiệp của con trong quá khứ. Chính duyên nghiệp đó đã giúp con có thể thực hiện sứ mệnh này. Ta sẽ nói cho con biết con là ai trong đời quá khứ và nếu con muốn, ta sẽ nói cho con biết vào một dịp khác trong tương lai.

“Thầy trả lời rằng thầy không cần biết và Karmapa không nên nói thêm gì về duyên nghiệp ấy. Karmapa đặt cả hai tay lên đầu thầy, Ngài nói và mỉm cười: “Một nhà hảo tâm, ông Benson, đã cúng dường cho ta một mảnh đất ở Pháp. Chúng ta nên xây một trung tâm Phật Pháp lớn và từ đây Giáo Pháp sẽ được lan rộng trong mọi phương. Rất nhiều người sẽ có thể tiếp cận với giáo lý của Đức Phật, và điều này sẽ giúp ích lớn lao cho chúng sinh ở phương Tây. Do vậy, con sẽ đi Châu Âu. Đừng lo lắng về điều gì. Con có nghiệp duyên cần có để thành tựu sứ mệnh này. Đã đến lúc để con phụng sự chúng sinh. Ta là Karmapa – nếu con có niềm tin vào cái tên Karmapa, thì con nên tin tưởng vào lời ta nói.” Karmapa cười lớn.

Karmapa lại tiếp tục: “ Khi con tới đó, con nên xây một ngôi chùa, một tu viện và một trung tâm nhập thất và giảng giải giáo Pháp. Con nên truyền giảng giáo pháp không chỉ ở một khu vực nhỏ hẹp hay một đất nước mà nên mở rộng khắp mọi nơi. Như thế sẽ có rất nhiều người sẽ thiết lập được duyên lành với giáo pháp và xây dựng niềm tin nơi Phật Pháp. Con phải đi ngay, vì duyên đã tới, và chúng ta phải hành xử vào đúng thời điểm. Chúng sinh đang có rất nhiều phiền não, và tình hình có thể thay đổi nhanh chóng. Đó là lý do mà con phải đi ngay lúc này.”

“Thời gian thì đang trôi và con người cũng sẽ thay đổi. Nếu giáo pháp không được truyền giảng ở khắp nơi, khổ đau lớn sẽ nảy sinh, giống như những khổ sở của chúng sinh phải kinh nghiệm trong tầng địa ngục. Nếu chúng ta thành tựu truyền giảng giáo pháp ở khắp nơi, sự khổ đau của chúng sinh sẽ giảm bớt nhiều. Thực hành giáo pháp sẽ làm giảm bớt khổ và thậm chí có thể tận trừ khổ. Nhờ giáo pháp, chúng ta có thể đưa đến cơ hội để chúng sinh hiểu được những phiền não của họ, phân biệt được giữa thiện và bất thiện và từ đó có thể hướng những hành động của họ đi về nẻo thiện.  Việc này có thể lợi lạc lớn cho cả thế giới, đó là lý do con phải đi phương Tây. Tất cả mọi người phải thấy được tầm quan trọng của việc chúng ta đang làm và chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để lợi lạc cho chúng sinh và thực sự cứu giúp họ. Đó cũng là lý do vì sao giáo pháp nên được biết đến ở khắp mọi nơi”.

“Sẽ rất khó cho người Tây Tạng giành lại độc lập. Ngay cả khi giành lại độc lập, chúng ta cũng chắc chắn không thể quay về. Chúng ta sẽ ở đây, miền đất Ấn Độ. Thêm vào nữa, sẽ đến lúc mà khó khăn nảy sinh cho những vị lạt ma tái sinh (sự tái sinh của những bậc thầy giác ngộ) và họ sẽ không còn nơi cư trú. Nếu con đi lúc này, con sẽ tạo dựng được một nơi  có thể thuận lợi cho việc hoằng pháp của những lạt ma tái sinh để làm lợi ích cho chúng sinh. Đó cũng là lý do con cần phải xây một tu viện”.

“Tuy rằng giáo pháp có thể lại đặt chân tới Tây Tạng, theo một chuẩn mực nào đó thì mọi người sẽ có thể tu tập trở lại. Nhưng sẽ không bao giờ còn được như trước khi mà Phật tử có thể tập trung hoàn toàn vào việc tu tập. Con người sẽ phải làm việc và thực tập ngoài lề. Do vậy, sẽ rất khó khăn để thiết lập lại giáo pháp ở Tây Tạng, và nó cũng không thể trụ vững lâu. Ở Bhutan, điều kiện là khá tốt lúc này, nhưng thực cũng không chắc chắn vững vàng như vậy được bao lâu. Ở Sikkim thì rất tốt hiện tại nhưng Sikkim sẽ sớm mất đi sự độc lập của mình”.

“ Về Rumtek, tu viện sẽ không được như hiện tại. Trong tương lai ngay cả xá lợi ở đây cũng gặp nguy hiểm. Đó là lý do vì sao ta muốn mang những xá lợi này tới phương Tây, nơi mà điều kiện được ổn định hơn. Có rất nhiều xá lợi quan trọng ở đây. Nếu nói chúng ta có một nửa số xá lợi quý báu từ Tây Tạng hiện đang lưu giữ ở đây thì hơi quá. Nhưng ta đã mang hết những xá lợi quan trọng ở khắp mọi nơi, ta chắc chắn rằng ta đã mang đi 1/3 và giữ ở đây. Ta đã bảo vệ được xá lợi từ Tây Tạng. Không có xá lợi quý báu bị bỏ lại ở Tsurphu nhưng trong thời gian tới, chúng lại có thể rơi vào sự hiểm nguy. Ta hi vọng có thể giữ gìn chúng an toàn ở phương Tây, không phải ở đây, do đó con phải xây một tu viện thích hợp. Ta muốn đưa cho con một số xá lợi lúc này để con mang sang phương Tây”.

“Thầy trả lời Karmapa rằng trong thời gian này thì tốt hơn là nên giữ xá lợi ở Rumtek. Karmapa liền cho thầy xem rất nhiều tượng Phật, bao gồm cả những bức tượng quý báu nhất, toả ra sự ban phước lớn và lặp lại rằng thầy phải mang những xá lợi này đi và phải đảm bảo rằng chúng sẽ không bị mất”.

“Một tối, Karmapa cử một vị tu sĩ tên là Chogyal tới đón thầy. Thầy nói: “Không đi lúc này được, hãy đợi đến lúc trước bình minh. Thầy thấy đó, vẫn còn nhìn thấy sao ở trên bầu trời nghĩa là đang đêm khuya. Nhưng Chogyal nói rằng Karmapa đã yêu cầu thầy ấy đi đón và thầy nên đi ngay lập tức. Thầy từ chối thêm một lần nữa nhưng vị ấy kiên quyết nói là Karmapa sẽ đợi cho tới khi thầy ấy trở về. Vì vậy thầy đã rời đi. Karmapa đang ngồi trên một chiếc ghế lớn tại hành lang trước nhà. Bên cạnh Ngài là một chiếc ghế tương tự, Karmapa nói thầy có thể kéo chiếc ghế qua và ngồi cạnh Ngài. Chiếc ghế thì quá nặng nên Karmapa đã đến và giúp thầy khiêng chiếc ghế qua.

Ngài nói thầy hãy ngồi xuống. Ngài đưa cả hai tay sang ban phước lên đầu của thầy và Ngài đọc những lời khấn nguyện tới các vị thầy tổ của dòng truyền thừa. Tới Kim Cang Thừa, Tilo, Naro, Marpa, Mila và vân vân. Karmapa đã đọc những lời nguyện cầu ấy 3 lần và nói với thầy rằng Ngài đã trao lại cho thầy toàn bộ truyền thừa và sự ban phước của dòng truyền thừa và từ giờ trở đi thầy trở thành người nắm giữ dòng truyền thừa. Ngài tiếp tục đọc những lời cầu nguyện và cầu gọi tới các hộ pháp, thánh nữ, dakini và Vira, Ngài yêu cầu họ bảo hộ và hỗ trợ thầy. Ngài cũng lặp lại những lời trên 3 lần”.

“Thầy đã rất xúc động, thầy nghĩ : “Vị thầy vĩ đại này đang nói gì vậy?” thầy nghoảnh lại phía sau để chắc chắn là không có ai nhìn thấy những gì đang xảy ra. Thầy cảm thấy rất ngượng ngùng khi Karmapa trao dòng truyền thừa cho mình. Thầy chỉ là một lạt ma bình thường. Vậy mà Ngài lại tưới đẫm thầy bằng sự quan tâm của Ngài. Nước mắt bắt đầu nhoè trên mí mắt, thầy đã rất run, đó là một cú sốc đối với thầy. Thầy đã không hề nói với ai về buổi gặp gỡ này. Karmapa đã nói với thầy rất nhiều thứ, cho đến bây giờ nhớ lại những điều này, cũng khiến đôi mắt thầy ngập nước”.

“Sau đó, Karmapa đã chỉ cho thầy thấy rất nhiều mô hình của các chùa và tu viện khác nhau, từng chiếc một, và dặn thầy nên xây một nơi tương tự như vậy ở Châu Âu. Thầy đã ngồi với Karmapa cho đến khi mặt trời lên. Karmapa đã giải thích chi tiết mọi việc. Sau đó trà được dâng lên. Về sau, khi Karmapa tới thăm Châu Âu, thầy vẫn chưa xây nổi một ngôi chùa nào. Nhưng Ngài nói với thầy là không nên lo lắng và chùn lòng. Ngài nói thầy nên xây một trung tâm nhập thất trước, những thứ khác sẽ theo đó mà xuất hiện”.

“Trở lại thời gian ở Rumtek, Karmapa nói từng lời như sau: “Con nên xây một trung tâm nhập thất, và con sẽ làm được điều đó. Thêm vào đó, con nên xây một ngôi chùa và một trung tâm Phật Pháp, con sẽ thành tựu trong việc này nữa. Con nên xuất gia cho rất nhiều tu sĩ và đồng thời thành lập một ni viện, việc này con cũng thành tựu. Karmapa lập lại những điều trên vài lần. Lúc đó thầy có suy nghĩ như thế này: “Thầy đã già, Karmapa lại giao cho thầy thật nhiều trách nhiệm. Làm sao mà thầy có thể hoàn thành được hết đây”. Thầy chỉ đơn giản là băn khoăn về điều này. Thầy không thể tưởng tượng là mọi việc sẽ thế nào, nên thầy đã không hứa với Karmapa là sẽ hiện thực hóa tất cả những dự định trên”.

“Nhưng Karmapa biết rất rõ những gì thầy đang nghĩ, ngài nói: “Con sẽ tại thế lâu hơn ta. Cho dù ta trẻ hơn con, nhưng ta sẽ rời tấm thân này trước con. Sau đó, con phải ở lại và hoàn thành những nhiệm vụ trên. Ta đã trao lại cho con toàn bộ sự ban phước, năng lực mà con cần. Vì thế, con sẽ thành tựu. Dù sao thì sau hoá thân hiện thời của ta và trước khi con viên tịch, chúng ta sẽ gặp lại nhau. Con chỉ viên tịch sau khi gặp hoá thân của ta một lần nữa. Điều đó là chắc chắn. Ta đã giao trách nhiệm này cho con nhưng xin con đừng nghĩ rằng con không thể hoàn thành. Nếu không phải là do con có nghiệp từ trong quá khứ thì mọi việc sẽ không thành tựu được. Hãy tin tưởng ở ta, thời điểm đã tới, và con có nghiệp duyên. Sẽ không khó đối với con đâu. Nếu con có chút ít tin tưởng vào một điều rằng Ta là Karmapa, thì con sẽ thành tựu. Hãy tin tưởng ở ta, Ta chính là Karmapa”.

Và Ngài lại nói tiếp: “Năng lực để giúp con thành tựu những việc này không đến từ đời này, mà đến từ các đời trước. Hai chúng ta đã luôn cùng nhau vì đạo pháp trong rất nhiều kiếp. Nghiệp của con đến từ đó. Con như là người đi tiên phong của ta. Chính là nghiệp duyên của con mà con phải đi phương Tây lúc này. Nếu con muốn đạt được Phật Tánh trong đời này, con sẽ không đạt được trong đời hiện tại. Cả hai chúng ta sẽ tiếp tục hoằng pháp độ sinh trong 2 đời nữa. Sau đó, con sẽ không phải tái sinh trở lại, và con sẽ đạt được Phật Tánh. Ta thì sẽ chắc chắn hoá thân trên thế giới này với cương vị là Karmapa thêm khoảng 3 đến 4 đời nữa. Sau đó thì việc hoằng pháp của ta sẽ được lan rộng lớn lao qua nhiều hoá thân, nhưng không phải với tên Karmapa”.

“Nhiệm vụ mà ta giao cho con lần này sẽ không khó khăn gì cho con. Hãy tin ở ta, Ta chính là Karmapa, không phải là ai khác. Ta biết việc hoằng pháp của con sẽ biểu hiện một cách tự nhiên, đơn thuần là nhờ duyên nghiệp. Thêm nữa, con cũng không phải lo lắng chút gì về việc ai sẽ là người chăm lo cho các trung tâm trong tương lai. Shamar Rinpoche sẽ có mặt ở đó và làm mọi việc”.

“Karmapa đã chỉ bày nhiều chỉ dạy khác nữa, nhiều hơn những gì mà thầy có thể hồi tưởng lúc này. Đây chỉ là những điều được tóm gọn lại. Lama Jigme cũng biết hết những chỉ dẫn trên. Thầy ấy luôn ở bên Karmapa. Giống như các học trò gần gũi nhất, thầy Jigme luôn xuất hiện cùng với Karmapa. Những gì Ngài nói cho thầy ở Rumtek, thầy không nghĩ là mình có thể hoàn thành được, dù sao thì, thầy cũng không là ai cả, chỉ là một kẻ già nua và chẳng có phẩm chất gì. Vì lí do đó, thầy vẫn không hứa điều gì với Karmapa. Thầy chỉ ngồi đó và lắng nghe”.

“Khi thầy rời Rumtek, thầy nói với Karmapa: Có lần Ngài nói rằng phương Tây giống như một cõi Tịnh Độ cực lạc (Dewachen). Nên giờ con chỉ nghĩ là con đang bay tới miền tịnh độ. Nhưng Karmapa trả lời: Đừng nói vậy. Phương Tây chắc chắn là không thể so sánh với Dewachen, mặc dù cuộc sống ở đó dễ chịu, nhưng đó vẫn chỉ là một cõi người”.

“Cuối cùng Ngài nói với thầy: Con nên dựa vào quyết định của bản thân. Con có toàn bộ sự hỗ trợ của ta. Con có thể nhắc đến ta và nói rằng con quyết định với cương vị là đại diện của ta. Ta sẽ chú tâm đến mọi việc xảy ra với con và những việc con đang làm. Con có thể chắc chắn rằng, con có toàn bộ sự ủng hộ của ta. Thêm nữa, Ta sẽ giao cho con một lá thư uỷ quyền và con nên mang theo mình”. Thầy nói với Karmapa rằng thầy không cần một tờ giấy như vậy nhưng Karmapa nói: “Không, sẽ có lúc con cần tới lá thư này, và con mang theo lúc này sẽ tốt hơn”. Nhưng thầy trả lời: “Con thực là không cần, nếu Ngài, là Karmapa đã nói rằng mọi việc sẽ diễn ra tốt lành, thì con sẽ không cần một lá thư viết tay uỷ quyền từ Ngài.”

“Thời gian sau đó, nảy sinh khó khăn trong khi đang xây dựng ngôi chùa và trung tâm nhập thất. Đúng lúc đó, Jigme Rinpoche đang ở cùng với Karmapa trong chuyến hoằng pháp của Ngài ở Châu Mỹ và nói lại với Ngài về những rắc rối ở Pháp. Kết quả là, Karmapa đã thảo một lá thư trong đó Ngài viết: “Mọi việc nên được làm theo ý nguyện của lạt ma Gendun, và không nên thảo luận thêm về việc này nữa”. Ngài viết rằng: “Ngài đã trao cho thầy mọi phước lành cần có, và mọi người không nên nghi ngại về những quyết định mà thầy đưa ra”. Như thế, thầy đã nhận được lá thư uỷ quyền, lá thư mà Karmapa muốn giao cho thầy ngay từ ban đầu. Mọi thứ diễn ra sau đó thật thuận lợi. Những gì Karmapa nói thì sẽ thành hiện thực.

“Rất có thể là thầy đã quên một vài chỉ dẫn của Karmapa. Nhưng như thầy đã nói trước đó, Jigme Rinpoche biết hết mọi việc. Các con có thể hỏi thầy ấy. Thầy Jigme luôn ở bên Karmapa, thầy nghỉ tại phòng của Ngài, thọ thực cùng Ngài, ngay cả khi Karmapa đi hoằng Pháp khắp nơi, thầy ấy cũng luôn ở bên. Thầy biết thầy Jigme ngay từ khi thầy ấy còn là một cậu bé. Thầy Jigme luôn có mặt ở tất cả các sự kiện quan trọng. Chỉ có dịp khi Karmapa truyền sự nắm giữ dòng truyền thừa và toàn bộ sự ban phước, thầy ở bên Karmapa một mình. Những tiên tri của của Ngài sau này trở thành hiện thực. Có một vài điều bị bỏ quên, nhưng sau cùng thì tất cả đã thành tựu.

Karmapa đã truyền dạy Gendun Rinpoche thực hiện những việc sau ở Châu âu: “5 điều ước nguyện của Karmapa” trở thành trụ cột trong việc hoằng pháp của Gendun Rinpoche, và hiện tại 5 ước nguyện đó vẫn là những kim chỉ nam cho các học trò của thầy:

Xây dựng một trung tâm Phật Pháp để những ai quan tâm tới giáo pháp của Đức Phật có thể tiếp cận được.

Xây dựng một trung tâm nhập thất để giúp những hành giả có thể thực hành và giác ngộ sâu hơn. Nhờ đó mà giáo pháp của dòng Karma Kagyu có thể được giữ gìn và những lạt ma đủ năng lực sẽ được đào luyện để trở thành những người nắm giữ và trao truyền giáo pháp.

Xây dựng một tăng thân gồm có tăng và ni là cộng động người cống hiến cả cuộc đời mình vì lợi ích của chúng sinh thông qua việc thiền tập, nguyện cầu và giảng pháp.

Xây dựng một tu viện là nơi hiện diện của Tam Bảo và cũng là nơi tu tập cho tất cả mọi người.

Xây dựng một viện Phật Học bao gồm thư viện để giáo lý của Đức Phật được bảo tồn, nơi nghiên cứu và dịch thuật các tư liệu sang ngôn ngữ phương Tây.

Gendun Rinpoche luôn nghĩ mình là đầy tớ thực hiện những ước nguyện của thầy mình. Bản thân thầy hoàn toàn không quan trọng với thầy. Thầy đơn giản là thấy mình là cánh tay nối dài của Karmapa và thầy cũng mong tất cả những lạt ma mà thầy dạy dỗ cũng thấy họ chỉ là người phụng sự cho giáo pháp nói chung và phụng sự Karmapa nói riêng.

Nguồn tài liệu là trích trong sách: The heart advice of the Mahamundra Master- Gendun Rinpoche