Tuyển tập những lời dạy của Jamgon Kongtrul trên phương tiện truyền thông đại chúng.

 

Biến một vị thần thành quỷ dữ

Nếu, khi con tu tập về rèn luyện tâm, tính cách của con trở nên cứng nhắc, đầy kiêu hãnh và ngạo mạn, thì cũng giống như con đã biến một vị thần thành quỷ dữ. Pháp đã trở thành không phải pháp. Con càng tu tập về rèn luyện tâm, về Phật Pháp, tính cách của con càng trở nên dễ chịu, linh hoạt. Hãy hành xử như thể con là người phục vụ ở cấp thấp nhất cho tất cả mọi người.

 

Sự phóng chiếu chưa thanh tịnh của con

Đừng bàn luận về lỗi lầm của người khác. Nhận ra rằng những lỗi lầm đó thực ra là sự phản chiếu chưa thanh tịnh của tâm con.

 

Gốc rễ của toàn bộ giáo pháp

Gốc rễ của toàn bộ giáo pháp là sự buông bỏ từ bên trong với những quan tâm (tới thành tựu) của cuộc đời này.

 

Học cách không bám chấp

Bởi vì mọi ý nghĩ và hành động thiện lành được thúc đẩy bởi sự bám chấp vào một thực tại hiện hữu thực sự hay bám víu vào bản ngã đều giống như thức ăn có độc, hãy buông bỏ!. Học cách không bám chấp, mà nhận ra bản chất giả mộng, không chân thật của chúng.

 

Phật Tánh thường hiện diện

Chỉ có thể làm ra bơ từ sữa vì sữa đã sẵn có kem. Chưa có ai làm ra bơ bằng cách đi khuấy nước. Người thăm dò tìm vàng trong đá chứ không tìm trong mẩu gỗ. Tương tự như vậy, tìm cầu giác ngộ toàn hảo chỉ có ý nghĩa bởi vì Phật Tánh đã sẵn có trong mỗi chúng sanh. Nếu không có bản tánh ấy thì mọi nỗ lực cũng đều vô ích.

 

Tu tập trong đời sống hằng ngày

Hãy tiếp tục tu tập trong đời sống hằng ngày với pháp thiền duy nhất, luôn luôn ghi nhớ trong tâm, ý nguyện làm lợi lạc người khác trong mọi hành động như thay quần áo, đi, đứng, nằm, ngồi.

 

Giải thoát luôn toàn hảo

Giải thoát luôn toàn hảo không ám chỉ sự giải thoát của một vị phật trong quá khứ, ví dụ như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà ám chỉ cách thức mà vô số chúng sanh đang giải thoát lúc này và tiếp tục giải thoát trong tương lai, chỉ đơn giản bởi vì họ nhận ra bản tánh thanh tịnh của chính mình.
Nền tảng, con đường và thành tựu tối thượng của pháp là bản tánh nhất như không phân biệt: Tánh thấy biết (tánh giác) thanh tịnh toàn hảo. Sự giải thoát rốt ráo mà người tu tập đang muốn đạt được bằng cách thực hành các con đường tâm linh là thứ mà ta đã sẵn có. Chính sự tự do nội tâm là con đường để dẫn đến thành tựu mục tiêu.

 

Người thực sự tìm kiếm con đường tâm linh

Nếu sâu thẳm trong thâm tâm bạn vẫn tiếp tục tin rằng một góc nào đó của luân hồi còn có hữu ích, hoặc nó thậm chí có thể đưa ra được giải pháp tối thượng cho những vấn đề thế gian của bạn, thì việc trở thành một nhà tìm kiếm tâm linh đích thực sẽ vô cùng khó khăn.

 

Pháp Giới

là không gian, không thể nắm bắt
là ngọc trân quý trong suốt không tỳ vết
là ánh sáng của ngọn đèn tỏ rạng nơi tâm
là không thể diễn bày, như trải nghiệm của người câm
là tuệ giác sáng suốt, không che chướng.
Pháp giới chói sáng, phật tánh
Thuần tịnh nguyên sơ và ứng biến
Không ai có thể chỉ ra bằng phân tích suy luận.
Không thể diễn tả bằng lời
là pháp thân, vượt thoát sự quán xét của nghĩ suy.

 

Hãy quán sát ngay vào tâm mình.

Nếu con chạy theo những nghĩ suy hay xúc cảm, dù lớn hay nhỏ, và để tâm con chạy ra bên ngoài, thì tu tập của con là lầm lạc, và con không khác người không tu. Hãy chuyển sự chú tâm vào bên trong và nhìn thẳng vào tâm của con. Khi con nhìn vào tâm mình, không có thứ gì để thấy. Buông xả hoàn toàn, an tĩnh trụ lại trong  tánh không.

 

Vạn vật

Vạn vật trong luôn hồi, bao gồm cả những thứ biểu hiện ra ngoài, và những thứ xuất hiện trong tâm đều không có gì là chân thật hiện hữu và do vậy có thể hiện ra bất kỳ hình tướng nào.

 

Đúc kết của tất cả các pháp

Tâm và bản tánh của vạn vật đều không có gì thực sự hiện hữu, vượt ra ngoài nghĩ suy và không thể diễn bày. Điểm này có thể coi là một đúc kết của tất cả các pháp.

 

Kiểm tra trải nghiệm của con

Con cần tìm thấy sự giải thoát khỏi phiền não và chấp ngã bằng cách liên tục xem xét và tìm hiểu trải nghiệm của mình. Do đó, hãy hướng sự chú ý của con đến một đối tượng mà khiến con phát sinh nhiều phiền não. Kiểm tra một cách cẩn trọng xem giờ phiền não có nổi lên hay không. Nếu phiền não nổi lên, áp dụng các biện pháp đối trị. Một lần nữa, quán chiếu về chấp ngã để xem chúng như thế nào. Nếu thấy rằng không có bám chấp hiện diện, khảo sát thêm một lần nữa đối với các đối tượng khác của tham luyến hay sân hận. Nếu thấy chấp ngã nảy sinh, ngay lập tức đối trị bằng cách hoán đổi ta với người ( pháp tu tonglen)

 

Ba hạt giống của công đức vô lượng

Ba thứ độc liên tục nảy sinh liên quan đến 3 đối tượng. Tham luyến nảy sinh đối với các đối tượng dễ chịu hoặc hữu ích. Sân hận phát sinh đối với những đối tượng khó chịu hoặc có hại. Vô minh hay vô cảm đến với những đối tượng khác. Con hãy nhận ra những thứ độc này ngay khi chúng nảy sinh. Ví dụ như, khi tham đắm nảy sinh, nghĩ như vậy:
“cầu mong mọi chấp trước, vướng mắc của mỗi chúng sanh đều nảy sinh trong sự vướng chấp này của con. Cầu mong những hạt giống công đức của chúng sanh đều thoát khỏi mọi bám chấp. Nguyện sự bám chấp này của con chứa đựng hết khổ đau phiền não của chúng sanh. Cho tới khi đạt tới phật quả, nguyện cầu chúng sanh không phải trải qua những phiền não do bám chấp này gây nên.
Sân hận và những cảm xúc khác cũng được ứng dụng vào tu tập tương tự như vậy. Do đó 3 thứ độc dược trở thành 3 thứ công đức vô lượng.

 

Tánh giác vượt thoát thời gian

Hãy nương tựa vào tánh giác vượt thoát thời gian, thoát khỏi mọi tạo tác, không có ngã, và là bản tánh của mọi hiện hữu. Đừng nương tựa vào tâm trí thông thường. Nơi mà tâm gắn chặt vào ngã và khái niệm.

Tánh giác vượt thoát thời gian bao gồm (a) hiểu thấu rằng thực tại chân thật, theo cái nhìn chân đế, thì hoàn toàn vượt thoát những giới hạn tạo ra bởi sinh và diệt vv… (b) chứng ngộ về sự không thực sự tồn tại của hai loại ngã.Tự tánh của vạn vật thì vượt ra ngoài bất kì sự suy đoán (về) giá trị hay phán xét nào. Chính tánh giác này là nơi mà ta nên nượng tựa.

Tâm trí thông thường bao gồm (a) tin rằng những gì mà ta nhận thức ngay lúc này là thứ gì đó thực sự thật có; (b) khái niệm hoá bản ngã, chẳng hạn như có một cảm nhận về dấu ấn cá nhân riêng, và cảm nhận về thân tâm, năm uẩn, và (c) có những trạng thái tinh thần bị điều kiện chi phối, như là thái độ bám chấp một cách ngây thơ vào những cảm giác dễ chịu.Ta không nên nương tựa nơi tâm trí này.

 

Đơn giản là lãng phí một đời người

Con có thể giết thì giờ bằng cách đi, đứng, nằm ngồi, đi lại, những hoạt động vô bổ, không đem lại điều gì có ích hay có hại, quả của các hành động là những kinh nghiệp không tốt cũng không xấu. Nhưng những hành động đó đơn giản là lãng phí cuộc đời con, thay vì ném tiềm năng của con vào những thú vui nhàn rỗi, hãy nỗ lực có ý thức để dành thời gian của con vào những hành động thiện lành.

 

Tự tánh tâm

Nhận thức hiện tại của chúng ta là mê lầm và không đồng nhất với bản tánh thực sự của tâm. Thực tánh thì đã và luôn luôn thanh tịnh toàn hảo. Trải nghiệm lầm lạc này là do thói quen căn bản cho rằng chủ thể đang nhận biết, nắm bắt mọi việc là “tôi”. Bản ngã (tôi) thì không thực có, mặc dù chúng ta đang nhầm lẫn bám víu vào một niềm tin rằng bản ngã là có thực.

Bởi vì chúng ta nghĩ rằng cái tôi tự nó tồn tại và là một thực thể duy nhất, và ta thấy rằng những gì ta đang trải nghiệm là ở ngoài ta, là khác biệt với cái tôi, kết quả là ta tự động tạo ra quan điểm nhị nguyên. Chính ý niệm đối đãi nhị nguyên này làm nảy sinh cảm giác ưa thích hoặc không thích, bám lấy hoặc chối bỏ, vv… ưa thích đối với những người và vạn vật sống theo mong đợi của chúng ta và chối bỏ đối với người và vạn vật ngược với mong đợi.

Mong đợi nảy sinh từ hy vọng và sợ hãi, liên quan mật thiết đến những giả định lầm lạc về hạnh phúc và khổ đau. Khi cảm xúc ưa thích và khó chịu nảy sinh, những cảm xúc phiền não khác cũng tự nhiên xuất hiện, tham, sân, kiêu mạn, ghen tỵ, vv. Những cảm xúc phiền não này thúc đẩy ta hành động bằng thân, khẩu và ý. Hành động tạo ra nghiệp, “luật nhân quả không thể sai lầm”. Chúng sinh trải nghiệm quả của nghiệp cá nhân và nghiệp cộng đồng trong quá trình tồn tại và trưởng thành. 

 

Tánh không và duyên khởi

Bản tánh của tâm là trống rỗng, nhưng các hình tướng sẽ nảy sinh từ đó không chút gì ngăn ngại. Từ sự rỗng rang không chướng ngại nơi tâm, tất cả các hình tướng có thể biểu hiện không ngằn mé. Ở mức độ tục đế, thế giới hiện tượng sinh khởi là do nhân duyên, nhưng chúng không tách rời với không tánh, đây chính là chân đế. 

Thoát khỏi cực đoan là nhận ra cả không tánh và duyên khởi là một và không đối nghịch với nhau. Ta thường rất rối không phải ở sự xuất hiện của hình tướng, cũng không phải ở chỗ chúng được biểu hiện từ tâm, mà rối vì sự hiểu sai của ta về tánh không và tánh sáng.

 

Yidam (Bổn Tôn)

Những Yidam mà ta nhìn thấy trong tranh hoặc khi quán tưởng có thật không? Không, đó là hoá hiện của yidam tối thượng. Hình tướng và đặc điểm khác nhau của bốn tôn ám chỉ những thói quen bám chấp đa dạng và những hiện tướng chưa thanh tịnh trong tâm ta. Có rất nhiều những điều, tư tưởng không thanh tịnh mà ta nghĩ là chân thật. Mỗi Yidam biểu tượng cho rất nhiều khía cạnh của bám chấp. Hành giả cần thấu biết điều này.

Thân của bổn tôn tượng trưng cho sự không thể tách rời của tánh không và tánh biểu hiện, Câu chú của mỗi bổn tôn là sự không thể tách rời của tánh không và âm thanh, Tâm của bốn tôn là sự không thể tách rời của tánh không và tánh giác.

 

Con đường Giải Thoát 

Con đường Mahamundra (Đại Thủ Ấn) được gọi là con đường giải thoát. Nếu hành giả có thể thực hành và ngộ ra những chỉ dẫn của Mahamundra mà vị đó được nhận, hành giả sẽ đạt đến giải thoát. Tuy nhiên, hành giả phải là một bình chứa xứng đáng, ví dụ như, hành giả phải là một đệ tử chân tu, có khả năng nhận những chỉ dẫn trên mà không làm sai lệch chúng. 

Những đệ tử có phẩm chất như vậy cần có những thuận duyên và phải duy trì một mối liên hệ thanh tịnh với đạo sư. Khi một đệ tử chân tu gặp thầy bốn sư gốc, hành giả ấy có thể thành tựu giác ngộ tức thời, và ngộ ra tâm thanh tịnh của Vajradhara (Kim cang Trì) –  Dojre Chang trong tiếng tạng. Điều này chỉ có thể bởi vì Đại Thủ Ấn có năng lực siêu phàm là xoá tan mọi che chướng, thứ cản trở sự giác ngộ.

 

Truyền thừa Mahamundra (Đại Thủ Ấn)

Sự trao truyền Mahamundra sẽ không xảy ra thông qua sự hiểu biết tri thức về giáo lý Phật Pháp. Mahamundra là khẩu truyền về những chỉ dẫn trong thiền tập, được trao lại theo một dòng truyền thừa từ một vị thầy cho các học trò của mình, dựa trên sự chứng ngộ về các chỉ dẫn ấy. Sự trao truyền đòi hỏi sự chứng ngộ từ phía người thầy, người có thể trao cả sự gia trì của dòng truyền thừa mà không có bất kì sai lạc nào. Đó là lý do vì sao truyền thừa Mahamundra cực kỳ thuần tịnh và lợi lạc, là sự trao truyền dựa trên sự chứng ngộ. Tất cả những hướng dẫn thiền đều sâu sắc và không phải là một tổng hợp của các thông tin.

 

Các pháp tu căn bản

Nhiều hành giả chưa thành thục cho rằng họ có thể bước nhanh vào các pháp tu cao hơn và tu tập các pháp Yidam và Mahamundra mà không cần phải hoàn thiện các pháp tu căn bản, nhưng điều này là rất bất lợi để có thể đạt tới kết quả. Nếu hành giả thiền về tự tánh của tâm mà chưa hoàn thiện các pháp tu sơ khởi, thì tất cả nỗ lực đều vô ích. Hành giả cần niềm tin tưởng chân thành, sự tự tin, sự chắc chắn về nhân quả và hành giả cũng cần buông xả hoàn toàn để có thể thiền tập về Mahamundra đúng đắn. Tất nhiên là hành giả có thể nhận nhiều giảng giải về Mahamundra, nhưng điều đó chỉ như thay chiếc áo cũ nếu ta chưa thành tựu trong việc chuẩn bị nền tảng thích hợp. Hành giả cần hoà những lời pháp dạy vào đời sống của mình và thấu hiểu rằng pháp chỉ được hiển bày để giúp chuyển hoá cái thấy mê lầm của mình thành tuệ giác tối thượng. Điều này chỉ có thể xảy ra khi hành giả nương tựa và tận tâm với đạo sư gốc của mình, khi hành giả có tâm yêu thương và lòng bi mẫn kiên định, khi hành giả tu tập các pháp tu đúng đắn. Những pháp tu chỉ có hiệu quả khi thói quen và tập khí lâu đời bị loại bỏ và phước đức được vun bồi. Do vậy, các pháp tu căn bản là không thể thiếu để thực hành các pháp tu cao cấp khác.

 

Chứng ngộ Mahamundra (Đại Thủ Ấn)

Tự tánh của tâm là tánh không, và tuệ  giác về các hiện tướng, được coi là tánh không rộng khắp, không ngằn mé, vv… và sáng trong. Tự tánh tâm là sự không thể tách rời của tánh không và tánh sáng. Thông qua sự thực hành thiền, ta ngộ ra rằng không có tâm nào ngoài những nghĩ suy, và không có nghĩ suy nào ngoài tâm. Hành giả hoặc là nhận ra tâm mình hoặc là không, dù nhận ra hay không nhận ra, cả hai đều cùng là một tâm, khác biệt là ở chỗ ngộ. 

Hành giả cần quán chiếu trực diện vào tâm mình để nhận ra rằng thực sự không có chủ thể nhận biết và đối tượng được nhận biết. Giác ngộ là sự hợp nhất của tánh không và tánh sáng, vượt thoát chủ thể và đối tượng, là Mahamundra, mục tiêu của mọi pháp tu thiền. Lời nói sẽ không thể mở bày Mahamundra. Hành giả cần thanh tịnh những bất tịnh và che chướng, che mờ tự tánh tâm và tích luỹ phước đức để có thể ngộ ra Mahamundra.

 

Đạo sư

Tuỳ vào cách bạn thấy thầy hay còn gọi là đạo sư của mình, nếu bạn thấy thầy là một con người được làm bằng xương và thịt, khi ấy thầy là bậc đạo sư ở bên ngoài. Nhưng đạo sư thực sự là bản tánh tâm vô thượng – cốt tuỷ của chư Phật của cả ba thời.

 

Thân người quý báu

Thân người là quý báu, bởi vì con có thể đạt tới hiểu biết và trải nghiệm toàn hảo về thực tánh, và nhờ vậy đi đến giải thoát.

 

Vô Thường

Vô thường vượt ra ngoài sự tưởng tượng của ta, cho tới khi ta có thể phân tích và thấy rằng mỗi phút giây đều không tồn tại mãi. Khi đó ta có thể hiểu được ý nghĩa của vô thường ở nhiều khía cạnh.

còn tiếp…

chuyển ngữ: nhóm dịch thư viện Karma Kagyu