Tiểu Sử Karmapa Trinley Thaye Dorje
Từ thời thơ ấu ở Tây Tạng cho đến khi trở thành một vị Thầy hướng dẫn giáo Pháp cho nhân loại trên khắp địa cầu, từ các bản văn truyền thống đến các phương tiện đại chúng, câu chuyện về cuộc đời của Ngài Thaye Dorje, Đức Gyalwa Karmapa đời thứ 17 đã lan truyền từ Đông sang Tây, giống như những hoạt động (vì lợi lạc giáo Pháp) của Ngài là chiếc cầu nối cho những giá trị truyền thống hòa nhập với các vấn đề đương đại. Dưới đây là tiểu sử ngắn của Đức Karmapa:
Đức Karmapa sinh ngày mùng 6 tháng 5 năm 1983 tại trung tâm Tây Tạng. Thân phụ và thân mẫu của Ngài là Đức Mipham Rinpoche và Dechen Wangmo, những Lama vĩ đại của dòng truyền thừa Nyingma. Ngay khi Ngài biết nói, Ngài đã cho biết rằng Ngài chính là Karmapa. Các vị Karmapa là những vị hộ trì Dòng truyền thừa Karma Kagyu của Phật giáo Tây Tạng.
Tháng 3 năm 1994, nhân dịp kỉ niệm 900 năm truyền thống , Thaye Dorje Rinpoche đã được tấn phong là Karmapa đời thứ 17. Kunzig Shamar Rinpoche đời thứ 14, vị Lama cao cấp thứ 2 của dòng Karma Kagyu đã tấn phong Ngài. Shamarpa thứ 14, Mipham Chokyi Lodro đã được công nhận bởi Karmapa đời thứ 16 và Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1957 và tấn phong chính thức năm 1963. Kunzig Shamar Rinpoche đã viên tịch vào ngày 11 tháng 6 năm 2014.
Karmapa đời thứ nhất, Dusum Khyenpa sinh năm 1110. Đức Đạt Lai Lạt ma đời thứ nhất, Gendun Drub, sinh năm 1391. Karmapa hộ trì dòng truyền thừa không gián đoạn lâu đời nhất trong 4 trường phái chính của Phật giáo Tây Tạng.
Karmapa đã trốn khỏi Tây Tạng năm 1994. Năm 2003, Ngài đã hoàn thành chương trình đào tạo khi Ngài nhận danh hiệu Trì Minh Vương, bậc trì giữ thấu suốt Kinh điển và Mật điển.
Trinley Thaye Dorje có nghĩa là hoạt động Phật Pháp vô lượng bất biến. Karmapa cư trú tại Delhi, Ấn Độ. Vào ngày 25 tháng 3 năm 2017, Karmapa kết hôn với Sangyumla Rinchen Yangzom (tên tiếng Tây Tạng có nghĩa là ‘Sự quy tụ thịnh vượng quý báu’), Sangyuamla sinh ra ở Thimphu, Bhutan. Vào ngày 11 tháng 8 năm 2018, con trai Thugsey của Karmapa và Sangyumla được chào đời.
Karmapa thứ 10 và 15 cũng đã kết hôn và có con. Đức Karmapa thứ 15 có ba người con trai, hai trong số đó được công nhận là Jamgon Kongtrul Rinpoche thứ 2 và Đức Shamarpa thứ 12.
Ngày nay, Karmapa đã di chuyển đến nhiều nơi để gặp gỡ học sinh, sinh viên, người trẻ tuổi, các nhà lãnh đạo thế giới, những ngọn đuốc sáng trong lĩnh vực tâm linh, hòa bình, giải quyết các xung đột và giáo dục. Ngài còn đảm đương trọng trách về các vấn đề tâm linh cho 900 tu viện và trung tâm thiền trên khắp thế giới.
http://www.karmapa.org/karmapa-thaye-dorje/biography/ Việt dịch : Nhóm Rigpa Lotsawas
Hiệu đính : Giác nhiên
Các Thông Tin Khác về Karmapa
Năm 1997, Karmapa thứ 17 được chính thức mời sang Bhutan để tham dự lễ tang của Topga Rinpoche. Ở đây, Ngài đã được tiếp đón long trọng nhất. Ba giờ lái xe từ biên giới Bhutan tới thủ đô Thimpu đã phải kéo dài thành bảy tiếng đồng hồ vì hàng ngàn người đứng chào đón hai bên đường. Vào 17/10/1997, ba ngàn người đã tới nhận sự ban phước và toàn bộ gia đình hoàng gia bao gồm cả đức vua và bốn vị hoàng hậu đã tiếp đón ngài với cương vị là đức Karmapa thứ 17.
Tháng 10/1999, Karmapa thực hiện chuyến đi hoằng pháp quốc tế đầu tiên và đã thực hiện lễ quán đảnh cho hàng ngàn người tại Singpaore và Đài Loan. Một thiên niên kỷ mới đã khởi đầu cùng với chuyến đi thăm phương Tây của ngài. Tại Dusseldorf, Đức, Karmapa đã tiếp nhận sáu ngàn học trò từ hàng trăm trung tâm Diamond Way đến từ hơn ba mươi nước.
Mùa hè năm 2003, Ngài thực hiện chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên. Ngài đã thực hiện hàng loạt các lễ trao truyền và giảng dạy. Trong hai ngày 19 và 20/07/2003, người đã thực hiện trao truyền các phương pháp thực hành Karma Pakshi và Phật Dược Sư tại San Francisco, California. Cũng trong năm này khi Ngài đang thọ nhận giáo pháp với Kenchen Luding Rinpoche của dòng Sakya, Đức Sakya Trizin đã tới thăm Karmapa
Năm 2006, Khi ngài đang ở Kalimpong, có rất nhiều người thường lui tới Kalimpong, một trong các vị khách đặc biệt đó là Đức Chetsang Drikung Kagyu. Hai vị đã cùng dùng trà và những người xung quanh đã được nghe rất nhiều tiếng cười lớn từ họ.
Karmapa thường tham dự đại lễ cầu nguyện Kagyu Monlam ở Bồ Đề Đạo Tràng vào tháng 12, đây là dịp mà tất cả Phật tử đều có cơ hội gặp riêng ngài. Ngài thường gặp gỡ và trò chuyện với từng người một, cho dù số Phật tử muốn gặp ngài phải xếp hàng dài và lên tới mấy ngàn người một ngày. Trong hình là buổi gặp gỡ của Ngài Dilgo Khuyentse Yangsi ở Bồ Đề Đạo Tràng.
Vào tháng 12/2003, sau khi hoàn tất chương trình hoằng pháp của mình, ngài đã được xem như là “Vị thầy Mật tông Vĩ đại” (theo tiếng Sanskrit – Vajracharya). Hiện tại, ngài sống tại Delhi, Ấn Độ. Ngài tiếp tục hoằng pháp tại các nước trên thế giới bao gồm Châu Âu, Châu Mỹ, các nước châu Á như Singapore, Malaysia, Hongkong, Indonesia, Philippine, Đài loan…